Là bệnh viêm gan do vi rút viêm gan B gọi tắt Viêm gan B, và viêm gan do vi rút viêm gan C gây nên gọi tắt Viêm gan C.
Viêm gan vi rút B, C là gì?
Là bệnh viêm gan do vi rút viêm gan B gọi tắt Viêm gan B, và viêm gan do vi rút viêm gan C gây nên gọi tắt Viêm gan C. Đây là hai vi rút gây viêm gan phổ biến ở Việt Nam, cũng là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan ở Việt Nam. Đường lây viêm gan vi rút B, C qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con. Nhiễm viêm gan vi rút B, C có thể chia thành nhiễm cấp và mãn tính.
Đối tượng nào có nguy cơ bị viêm gan vi rút B, C?
Người có bố, mẹ anh chị em ruột mắc viêm gan vi rút B, C
Người tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm
Người sống cùng nhà có người mắc viêm gan vi rút B, C
Người truyền máu nhiều lần, hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ
Người có quan hệ tình dục không an toàn
Người có vết thương hở tiếp xúc với máu người nhiễm viêm gan B, C, dùng chung vật dụng dao cạo râu của người nhiễm viêm gan B, C.
Viêm gan vi rút B, C biểu hiện như thế nào?
Nhiễm viêm gan vi rút B, C cấp tính:
80 – 90% không có biểu hiện lâm sàng, một số biểu hiện có thể gặp: chán ăn, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít sẫm màu, đau tức vùng gan, xét nghiệm có tăng men gan (AST, ALT), bilirubin
0,1 – 1% viêm gan B cấp diễn biến nặng (thể tối cấp) tiến triển nhanh chóng suy gan nặng, hôn mê gan, nguy cơ tử vong rất cao.
Nhiễm vi rút viêm gan B, C mãn tính thường ít có biểu hiện lâm sàng cho đến giai đoạn biến chứng xơ gan. Bệnh nhân thường phát hiện muộn ở giai đoạn xơ gan cổ trướng, với các biểu hiện: vàng da, cổ trướng, hôn mê gan, ung thư gan.. Điều trị viêm gan vi rút B, C như thế nào?
Viêm gan B, C cấp đa phần tự khỏi, ít khi có chỉ định điều trị.
Viêm gan vi rút B mạn:
Đa số bệnh nhân chỉ cần quản lý định kỳ, theo dõi men gan, tiến triển của xơ gan, ung thư gan. Một số bệnh nhân có chỉ định điều trị thuốc kháng vi rút khi có tăng men gan kéo dài, tải lượng vi rút tăng cao, hoặc đã có xơ gan, ung thư gan.
Các nhóm thuốc được chỉ định: Tenofovir, Entecavir, Lamivudine, Adefovir, Peg-Interferon.
Viêm gan C mạn:
Thuốc điều trị bao gồm: các thuốc DAA (thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp: Sofobuvir, Ledipasvir, Velpatasvir …) , PegInterferon, ribavin.
Tiên lượng viêm gan vi rút B, C như thế nào?
Viêm gan B, C cấp: Nhiễm ở tuổi trưởng thành đa phần tự khỏi, 10 -20 % chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Nhiễm viêm gan B, C mạn tính không được quản lý sẽ tiến triển các đợt cấp viêm gan tăng men gan kéo dài, sau nhiều năm sẽ chuyển sang giai đoạn xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan. Tiên lượng sống ở giai đoạn xơ gan theo thang điểm Child-Pugh:
Điểm Child-Pugh Phân loại Tỷ lệ sống sau 1 năm
5-6 A 100%
7-9 B 80%
10-15 C 45%
Th.s Bs Trằn Văn Bắc - Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương