Trang chủ / Tin tức / Kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư đã di căn

Kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư đã di căn

01/08/2012 10:05     94,671      104,041     

Hiện nay, các nguồn bức xạ, tia phóng xạ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày như ứng dụng y tế, công nghiệp, nghiên cứu… Khi không được kiểm soát tốt, nguồn bức xạ này có thể gây nguy hiểm cho người tiếp xúc, là nguyên nhân làm gia tăng nhiều bệnh mãn tính, ung thư.

 

Bác sĩ Thoãn khám cho một bệnh nhân đang đợi điều trị bằng P32

Điều trị bằng thuốc phóng xạ

Sau khi vào khám ở BV K, bệnh nhân Nguyễn Văn Ph. (ở Việt Trì, Phú Thọ) được giới thiệu chuyển xuống Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội với chẩn đoán tổn thương cột sống nhiều vị trí khác nhau, nghi ngờ ung thư di căn xương. Đây là một trong rất nhiều trường hợp tổn thương xương không rõ nguyên nhân và ung thư đã di căn xương vào điều trị tại Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội trong những năm gần đây. Bác sĩ Phạm Văn Thoãn, Phụ trách Khoa Điều trị tổng hợp của Viện cho biết, trung bình mỗi tháng Viện tiếp nhận khoảng trên 10 ca vào điều trị ung thư các loại đã di căn xương, nhiều nhất là các bệnh nhân trên 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ gặp nhiều hơn, với các bệnh ung thư vú, ung thư phổi, dạ con, ung thư tuyến giáp…

Di căn vào xương là giai đoạn cuối của ung thư, bệnh nhân sẽ rất đau đớn và không còn can thiệp được bằng phẫu thuật. Thông thường khi đã di căn xương, các BV thường trả bệnh nhân về, bệnh nhân không còn nhiều cơ hội được cứu sống. Tuy nhiên, với liều điều trị bằng phốt pho phóng xạ (P32), đến nay đã có hơn 200 bệnh nhân ung thư có di căn vào xương được điều trị tốt, giúp kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng sống. Theo bác sĩ Phạm Văn Thoãn, có những bệnh nhân ung thư di căn xương gần như không còn cơ hội cứu sống song khi được điều trị bằng P32 đã kéo dài cuộc sống thêm 1, 2 năm, gần như không còn đau đớn. Mỗi bệnh nhân sẽ được uống liều P32 thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tháng.

GS Nguyễn Xuân Phách, nguyên Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội - người đã triển khai phương pháp này cho biết, hầu hết bệnh nhân đều có đáp ứng tốt với P32. Phốt pho phóng xạ sau khi uống vào cơ thể sẽ đi vào xương, kìm hãm sự phát triển các khối u ở đó và làm giảm đau, bệnh nhân sẽ không cần dùng morphin. Trong gần 200 bệnh nhân đã điều trị, chưa ai có phản ứng phụ đáng kể. Theo GS Phách, phương pháp trên chỉ có tác dụng với các trường hợp di căn vào xương vì chất thuốc chỉ đi vào tạng này. Khi ung thư đã di căn đến các tạng khác thì phương pháp điều trị này không còn có hiệu quả.

Cùng với ung thư di căn xương, Viện cũng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân paredo bằng iot phóng xạ (iot 131) kết hợp với thuốc thảo dược hoàn quy hạ,   oncobicelen, ulactamin. Bệnh nhân bị bệnh tuyến giáp thường gặp nhất là người ở vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ mang thai… Nếu được phát hiện sớm và điều trị bù hormone tuyến giáp, điều trị bằng iot 131 thì chỉ cần 3 tháng có thể khỏi.

Gia tăng bệnh do nhiễm phóng xạ

Bên cạnh các bệnh nhân ung thư đã di căn, tại Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội hiện đang có hơn 20 bệnh nhân bị tổn thương phóng xạ nằm cấp cứu, điều trị. Đa phần họ là những trường hợp nặng, bị tổn thương cấp do tai nạn khi đang làm việc ở các nhà máy điện nguyên tử, bị bỏng do các thiết bị máy coban, viện xạ hiếm, bỏng do hộp chì ở các container… Trong số này, có những trường hợp bị tổn thương phóng xạ bề mặt, thông thường việc điều trị không quá phức tạp vì chỉ cần loại bỏ các chất phóng xạ bám trên bề mặt da bằng các dung dịch, thuốc rửa như xà phòng, nước trung hòa. Song do không sớm phát hiện bệnh, không rửa ngay các chất phóng xạ nhiễm trên bề mặt nên phóng xạ dần nhiễm vào trong, gây bỏng loét phóng xạ, hoại tử da.

TS Nguyễn Hữu Nghĩa - Giám đốc Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người bị nhiễm xạ như: làm việc ở những nơi có nguồn phóng xạ, vô tình tiếp xúc với nguồn phóng xạ đã bị hở và bị tia xạ chiếu trực tiếp vào người, làm việc ở những mỏ quặng giàu phóng xạ. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp bị tổn thương nặng, bỏng phóng xạ thì thường người bệnh không biết mình bị nhiễm phóng xạ. Đặc biệt, các trường hợp bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ nhẹ (gọi là bức xạ) hiện nay rất phổ biến, do tiếp xúc với các tần số sóng rada, điện thoại, radio, sóng từ các cột BTS trong khu dân cư… Những bức xạ này không gây ảnh hưởng tức thì tới người bị nhiễm, song việc bị nhiễm phóng xạ liều thấp kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến đột biến gene.

Theo TS Nghĩa, những trường hợp bệnh nói trên chủ yếu được điều trị bằng các thảo dược trong nước như dầu gấc, giá đỗ, lá cây đỏ ngọn… chứ không cần các loại thuốc ngoại nhập đắt tiền.

(Theo Duy Tiến - anninhthudo.vn)

Facebook a Comment