Trang chủ / Tin tức / Tiếp tục có bé tử vong vì bệnh tay chân miệng

Tiếp tục có bé tử vong vì bệnh tay chân miệng

01/08/2012 09:29     5,124      9,638     

Số trẻ mắc tay chân miệng trên cả nước đến nay đã lên tới 28.000, trong đó 18 bé đã tử vong. Theo các chuyên gia, điều đáng mừng là trong tuần qua số ca mắc đã có dấu hiệu giảm dần.

Ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số bệnh nhân nhiễm tay chân miệng ở mức cao nhưng các ca mắc mới đang có dấu hiệu giảm dần. So với tuần trước, tính chung cả nước số ca mắc giảm 3,5%.

"Dịch vẫn tiếp tục diễn biến mức tạp. Trong khi ở miền Bắc số ca mắc giảm 12%, miền Trung giảm 2,5%, đây là một tín hiệu đáng mừng, thế nhưng khu vực miền Nam lại giảm rất ít", ông Dương nói.

Chủ yếu ca tay chân miệng ở thể nhẹ, trong đó có một số ca diễn biến nặng là do nhiễm tuýp virus EV71. Ảnh: D.N.

Tại miền Bắc, Hà Nội là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều, với hơn 1.000 trẻ, trong khi vào cùng thời điểm này năm ngoái, thành phố không có ca bệnh nào. Trung bình mỗi tuần cả thành phố có 150-200 trẻ mắc, đặc biệt tăng cao trong tháng 3.

43% trẻ mắc bệnh đang đi học. Một tỷ lệ rất lớn số trẻ ở nhà nhưng vẫn mắc tay chân miệng, rất có thể chính người lớn trong gia đình là trung gian truyền bệnh.

Theo tổng kết của ngành y tế thì tình trạng bác sĩ thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị và thuốc điều trị ở các tỉnh chưa đủ, đã khiến không ít trẻ mắc bệnh tay chân miệng chết oan.

Vì thế bên cạnh tăng cường tuyên truyền cho người dân, mới đây, lần thứ 3 liên tiếp Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng. Hướng dẫn này được đánh giá là chi tiết, rõ ràng và cụ thể hơn nhằm giúp các bệnh viện phân loại đúng ca bệnh và có hướng xử trí kịp thời, tránh tử vong.

Cụ thể trong đó hướng dẫn nhân viên y tế cần hỏi bệnh nhân những gì, thăm khám về thể chất như thế nào... Với trẻ điều trị ngoại trú, thì sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc, phòng bệnh lây trong cộng đồng như thế nào, khi nào cần tái khám...

Chẳng hạn, nếu trẻ đau do vết loét bên trong niêm mạc miệng, nướu, dưới lưỡi thì mục tiêu điều trị là khiến trẻ dễ chịu, vết loét mau lành. Nhân viên y tế cần đánh giá mức độ tổn thương, cho trẻ uống thuốc giảm đau paracetamol theo chỉ định, hướng dẫn cha mẹ vệ sinh răng miệng cho trẻ với nước muối sinh lý hằng ngày và sau mỗi bữa ăn, tránh ăn các thức ăn nóng, chua, cay vì sẽ gây kích thích đau nhiều hơn.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng phân công các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ các tỉnh trong công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng. Mục tiêu ngành y tế đặt ra trong năm nay là giảm tối đa số tử vong do tay chân miệng so với năm 2011 (có 110.000 ca mắc và 169 trường hợp tử vong).

(Theo Phương Trang-Vnexpress.net)

 

Facebook a Comment