Trang chủ / Tin tức / Bác sĩ Nhiệt đới nói về cách dùng nước ozôn chữa tay chân miệng

Bác sĩ Nhiệt đới nói về cách dùng nước ozôn chữa tay chân miệng

31/07/2012 15:05     10,543      56,983     

Trước những thông tin trái chiều về cách chữa bệnh tay chân miệng bằng nước anolyte của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, và mới đây nhất Bộ Y tế bác bỏ cách chữa này, bác sĩ Ngyễn Trung Cấp, BV Nhiệt đới Trung ương đã lý giải rõ hơn về tính chất và tác dụng của nước ozôn.

 

Nước anolyte (còn gọi là nước ozôn), sinh ra từ quá trình điện phân muối ăn. Cách chữa của tiến sĩ Khải là cho trẻ mắc tay chân miệng tắm rửa, vệ sinh, sát trùng da bằng nước ozôn này, nếu cần thì cho uống, kết hợp với việc dùng nước hoa quả để nâng thể trạng.

Thực tế, khi điện phân dung dịch nước muối, ta sẽ có các phản ứng:

NaCl + H2O -------> H2 + Cl2 + NaOH

Trong đó H2 sinh ra ở cực cathode, Cl2 sinh ra ở cực anode, tại đây lại xảy ra phản ứng:

Cl2 + NaOH -----> NaCl + NaClO + H2O

NaClO (Natri hypochlorite) là một chất chính trong các loại thuốc tẩy (nước Javen) chúng tự phân hủy để tách nguyên tử oxy ra và trở thành NaCl. Chính oxy nguyên tử này có tính oxy hóa rất mạnh, do vậy nó có thể tẩy các độc chất, chất màu, diệt các vi khuẩn, virus và biến tính các chất hữu cơ.

Do vậy nếu chúng ta thu dung dịch hình thành gần cực anode, ta sẽ thu được nước anolyte, một dung dịch có tính sát khuẩn mạnh.

Do nước anolyte có tính oxy hóa mạnh nên nó có khả năng làm sạch và diệt trùng. Anolyte được ứng dụng rộng rãi trong việc sát trùng các dụng cụ trong y tế, dùng để rửa các loại rau quả và thực phẩm. Nó cũng dùng để tẩy uế các bề mặt nhiễm bẩn hoặc dùng trong xử lý rác.

Tuy nhiên do tính oxy hóa mạnh nên chúng diệt được vi khuẩn, virus, nên nếu uống anolyte thì nó cũng diệt các vi khuẩn có lợi trong ruột. Vì vậy chỉ nên dùng anolyte để sát trùng ngoài da mà không nên uống.

Ảnh:
Dịch tay chân miệng bùng phát mạnh tại Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ninh.

Nhược điểm nữa của anolyte là chúng tự phân hủy nên hoạt tính kháng khuẩn sẽ giảm dần theo thời gian. Chính vì thế anolyte vừa sản xuất xong thì có hiệu lực kháng khẩn rất tốt, nhưng để sau một thời gian thì sẽ trở thành dung dịch nước muối thường, không có tính kháng khuẩn.

Để tạo ra nước anolyte cần dùng nước cất và muối ăn tinh khiết, vì nếu dùng nước và muối ăn có tạp chất, thì chính các tạp chất này cũng bị điện phân có thể tạo ra các sản phẩm độc hại.

Anolyte có khả năng diệt khuẩn không thể phủ nhận. Nhưng liệu có thể dùng anolyte trong chữa bệnh chân tay miệng được không?

Như ta đã biết bệnh chân tay miệng do virus nằm trong tế bào ở các nội tạng gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Khi đã có ban trên da tức là virus đã tràn lan khắp cơ thể chứ không phải virus xâm nhập từ ngoài môi trường vào cơ thể qua các nốt ban.

Chính vì thế, việc bôi dung dịch anolyte ở các nốt ban ngoài da không giúp diệt virus nằm trong các tế bào nội tạng, nó không giải quyết được gì các biến chứng nặng do virus. Ngay cả việc uống anolyte cũng chỉ giúp diệt vi khuẩn trong ruột (bao gồm cả vi khuẩn có hại và có ích) chứ không thể giúp được việc hồi phục các tổn thương tại não và tim.

Trong điều trị bệnh tay chân miệng, việc điều trị các nốt ban ngoài da là thứ yếu vì các tổn thương này không gây chết bệnh nhân và chúng sẽ tự thoái triển khi bệnh lui. Các bệnh nhân tử vong hầu như chỉ do các tổn thương não, tim và một số ít do sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm dẫn đến một số rất ít bị bội nhiễm vi khuẩn. Trong những trường hợp có biến chứng nặng, việc nâng cao sức đề kháng bằng gammaglobulin, đảm bảo vệ sinh và dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm và thở máy, hỗ trợ tim mạch là những phương pháp điều trị có hiệu quả đã được chứng minh qua nhiều vụ dịch trên thế giới trong nhiều năm qua.

Vậy tại sao một số bệnh nhân khỏi bệnh sau khi bôi anolyte?

Thực tế ở Việt nam có tới trên 90.000 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, trong đó chỉ có vài ngàn trẻ bị diễn biến nặng và 147 trẻ tử vong, trong đó một phần là đưa đến bệnh viện muộn nên tổn thương tim và não không hồi phục được. Trong số gần 90.000 trẻ khỏi bệnh thì một số nhỏ được dùng anolyte còn hầu hết không dùng anolyte vẫn khỏi bệnh như thường. Do vậy rất khó để khẳng định những trường hợp đã nói trên khỏi bệnh là nhờ anolyte.

Có thể dùng anolyte làm nước rửa tay, tắm, vệ sinh bề mặt, sát trùng các đồ vật như bàn ghế, bát đũa, đồ chơi của trẻ em... Việc sử dụng anolyte như vậy có thể giúp cắt đứt đường lây truyền virus từ trẻ này sang trẻ khác và hạn chế nguy cơ lây lan bệnh chân tay miệng ở gia đình, nhà trẻ, trường học và các nơi công cộng.

Nên dùng Anolyte hay Chloramin B để sát khuẩn?

Một số nghiên cứu khẳng định anolyte vừa sản xuất có tính kháng khuẩn mạnh hơn Chloramin B. Việc sản xuất anolyte có vẻ rất rẻ vì chỉ dùng nước, muối ăn và điện. Nhưng thực tế, rất khó áp dụng rộng rãi ra cộng đồng vì một số lý do sau:

Anolyte tự phân hủy nên hiệu quả diệt khuẩn giảm dần theo thời gian nên không thể dự trữ để dùng trong nhiều ngày mà phải được cung cấp anolyte mới chế hàng ngày. Do vậy không thể dùng một máy tạo anolyte cho một huyện hoặc một khu vực. Nếu trang bị mỗi huyện một máy tạo anolyte thì hàng ngày sẽ cần hàng trăm người xếp hàng lấy nước anolyte, sau đó mang theo nước anolyte tỏa về các thôn xóm, gia đình nên mặc dù nước anolyte rẻ nhưng chi phí xăng xe, và thời gian, công sức vận chuyển lại khá tốn kém mà khi chuyển được nước anolyte về đến nơi chưa chắc chúng đã còn tác dụng.

Chính vì vậy để có anolyte còn hoạt tính cung cấp rộng rãi về các thôn, bản, các nhà trường, gia đình đòi hỏi mỗi thôn, xóm, mỗi trường học phải có một máy tạo anolyte. Mỗi máy như vậy có giá thành từ 25 triệu đến 100 triệu đồng. Thêm nữa để vận hành chúng an toàn lại đòi hỏi phải cung cấp nước cất và muối tinh với giá không hề rẻ. Việc cung cấp rộng rãi máy tạo anolyte cho một tỉnh, một địa phương bị dịch có thể tốn nhiều tỷ mà với số tiền đó có thể mua được vài chục tấn Chloramin B.

Chloramin B là thuốc diệt trùng và làm sạch nguồn nước rất quen thuộc, đã được dùng trong rất nhiều vụ dịch cũng như mỗi khi có lũ lụt. Chloramin B được đóng thành viên với giá vài trăm đồng một viên, mỗi viên có thể pha được với 10-20 lít nước, dung dịch này ổn định được trong 3-5 ngày nên các gia đình, nhà trường có thể lĩnh một lần vài chục viên đến vài trăm viên, đủ dùng trong nhiều ngày.

Trong điều kiện phòng thí nghiệm hoặc của một cá nhân, một nhóm nhỏ thì dùng máy tạo anolyte có thể rẻ hơn Chloramin B nhưng trong điều kiện chống dịch ở một địa bàn lớn như một tỉnh hoặc nhiều tỉnh thì cung cấp, vận chuyển, sử dụng chloramin B có thể dễ dàng, đơn giản và có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

(Theo vnexpress.net)

Facebook a Comment
Các tin khác:
Dimethyl sulfoxide nâng cao tính hiệu lực của các thuốc sát khuẩn da và giảm tỷ lệ nhiễm bẩn cấy máu Hiệu lực của artemether-lumefantrine trong điều trị sốt rét ở bệnh nhi < 5 tuổi và sự phổ biến các dấu ấn kháng thuốc sốt rét ở igombe-mwanza, tây – bắc tanzania Một trường hợp đồng nhiễm virus epstein – barr ở bệnh nhân sốt dengue biểu hiện viêm tiểu não sau nhiễm trùng 23s rdna real-time pcr của van tim: một công cụ mang tính quyết định trong chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm trùng Phát triển đề kháng carbapenem trong quá trình điều trị nhiễm loài salmonella không gây bệnh thương hàn Thầy thuốc lâm sàng chờ đợi trong bao lâu để bắt đầu điều trị thuốc kháng virus sao chép ngược cho các bệnh nhân bị nhiễm hiv mới được chẩn đoán? Nồng độ kháng thể và sự bảo vệ sau chủng ngừa viêm gan b: kết quả của một nghiên cứu theo dõi 22 năm và đáp ứng với một liều tiêm chủng tăng cường Viêm gan: thành công vaccine hcv trong nghiên cứu giai đoạn một trên người tự nguyện khỏe mạnh Giảm nồng độ hbsag dự báo sạch hbsag trong huyết thanh ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan b mãn tính bất hoạt Sự tuân thủ dùng thuốc tương tự nucleos (t) ide đối với viêm gan b mãn tính trong thực hành lâm sàng và mối tương quan với bùng phát virus