Trang chủ / Chuyên đề / ỨNG DỤNG HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU (PRP) TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ CƠ XƯƠNG KHỚP

ỨNG DỤNG HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU (PRP) TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ CƠ XƯƠNG KHỚP

26/04/2024 13:53          2,077     

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP- Platelet rich plasma) được định nghĩa là một thể tích huyết tương tự thân có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần mức cơ bản trong máu tĩnh mạch (2 – 8 lần). Tiều cầu có cấu tạo và chức năng đặc biệt giúp nó giữ vai trò quan trọng trong liệu pháp PRP để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.

1. Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?

– Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP- Platelet rich plasma) được định nghĩa là một thể tích huyết tương tự thân có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần mức cơ bản trong máu tĩnh mạch (2 – 8 lần). Tiều cầu có cấu tạo và chức năng đặc biệt giúp nó giữ vai trò quan trọng trong liệu pháp PRP để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.

– Trong tiểu cầu, hạt α có số lượng từ 50 đến 80 hạt, hạt α có chứa nhiều protein có hoạt tính sinh học tham gia vào quá trình đông cầm máu và làm lành vết thương. Khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α của tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương hay tổn thương như: PDGF, TGF-β, VEGF, PDEGF, FGF…Với cơ chế chứa các yếu tố tăng trưởng và các cytokine chống viêm, huyết tương giàu tiểu cầu kích thích sự lành vết thương, tăng trưởng mô, sợi giúp phục hồi mô tổn thương một cách tự nhiên và sinh lý nhất.

– Công nghệ PRP đã được ứng dụng hơn 20 năm trước trong lĩnh vực nha khoa, giúp chóng lành vết thương ở bệnh nhân ung thư hàm mặt trong giai đoạn tái tạo hàm.

– Hiện nay, liệu pháp này được mở rộng ứng dụng trên nhiều lĩnh vực từ phẫu thuật tim mạch đến chỉnh hình, thẩm mỹ…. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận và khuyên dùng PRP trong y học và thẩm mỹ. Đối với những bệnh lý cơ xương khớp, liệu pháp tiêm PRP được chứng minh có tác dụng tốt trong việc điều trị giảm đau, chống viêm, tái tạo, phục hồi cấu trúc khớp và cấu trúc gân.

2. Tiêm PRP có thể điều trị các bệnh cơ xương khớp nào?

– Thoái hóa khớp đặc biệt khớp gối.

– Viêm điểm bám gân: viêm gân tại vùng khớp vai, viêm gân vùng khớp khuỷu, viêm gân vùng cổ tay, viêm gân Achilles, viêm gân bánh chè…

– Rách gân chóp xoay ở khớp vai.

– Chấn thương thể thao: bong gân, giãn dây chằng, đứt dây chằng chéo trước, tổn thương sụn chêm, sụn khớp….

– Tổn thương cơ do chấn thương đụng dập, rách cơ…

3. Quy trình sử dụng PRP tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

  Người bệnh sẽ được thăm khám cẩn thận, đánh giá một cách kỹ lưỡng để xác định chính xác tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị với các bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp. Nếu có chỉ định tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, sẽ được chuyển sang phòng lấy mẫu để tiến hành lấy máu và ly tâm máu bởi điều dưỡng viên đã được đào tạo về quy trình PRP.

– Để tạo ra huyết tương giàu tiểu cầu, một lượng máu tùy thuộc vào vị trí tổn thương và yêu cầu điều trị (khoảng 10 -30 ml) được lấy từ máu tĩnh mạch ở tay hoặc chân, sau đó được cho vào máy ly tâm tốc độ cao để tách và loại bỏ hồng cầu, bạch cầu và một phần huyết tương nghèo tiểu cầu để tách chiết ra khoảng 3-5 ml huyết tương giàu tiểu cầu.

– Sau khi tách chiết được lượng huyết tương giàu tiểu cầu cần thiết, các bác sĩ sẽ thực hiện tiêm vào vùng tổn thương trong điều kiện đảm bảo vô khuẩn. Một số vị trí cần sự hỗ trợ của máy siêu âm để đưa huyết tương giàu tiểu cầu vào đúng nơi tổn thương để đảm bảo hiệu quả và tác dụng của phương pháp trị liệu.

Siêu âm xác định vị trí tiêm rách bán phần gân trên gai và theo dõi sau điều trị

Huyết tương giàu tiểu cầu được tiêm vào vùng tổn thương sau khi tách chiết

4. Ưu điểm vượt trội khi tiêm PRP

Huyết tương giàu tiểu cầu được lấy và tách chiết từ chính máu của người cần điều trị trong điều kiện đảm bảo vô khuẩn nên rất an toàn, không gây phản ứng kích ứng hay dị ứng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thủ thuật lấy máu và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn cao, đồng thời đây là thủ thuật rất ít xâm lấn nên không ra tổn thương đáng kể nào.

Phương pháp trị liệu bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong thực hành y học tại Khoa Nội Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đặc biệt là trong điều trị các bệnh lý của hệ cơ xương khớp với các ưu điểm sau:

 – An toàn: do lấy máu tự thân nên dễ dàng tương thích.

 – Hiệu quả nhanh chóng: tác dụng có thể thấy rõ ngay sau 2-3 lần tiêm.

 – Ít tác dụng không mong muốn.

 – Làm giảm nhu cầu sử dụng nhiều loại thuốc uống chống viêm, giảm đau khác.

 Quy trình đơn giản, quá trình tiêm rất ít đau đớn, ngay sau khi tiêm người bệnh có thể sinh hoạt, vận động như bình thường.

 – Rút ngắn thời gian điều trị, nhanh chóng phục hồi.

– Kỹ thuật hiện đại, chính xác, đảm bảo vô trùng tuyệt đối.

5. Đối tượng người bệnh chống chỉ định tiêm PRP

  Khi chỉ định tiêm PRP trong điều trị các bệnh lý xương khớp, cần thận trọng với những trường hợp sau:

– Nồng độ Hemoglobin máu dưới 110g/l.

– Tiểu cầu máu dưới 150.000 /mm3.

– Mang thai.

– Tổn thương chưa loại trừ được các bệnh kèm theo như viêm nhiễm khuẩn (viêm mủ, lao khớp…).

– Nhiễm khuẩn ngoài da, nhiễm nấm… tại vị trí tiêm.

– Tiêm corticoid/ acid hyaluronic tại tổn thương với mũi tiêm gần nhất trong vòng 6 tuần trước.

– Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp dạng thấp, bệnh máu trong đó có các bệnh lý rối loạn chức năng tiểu cầu, bệnh lý tim mạch nặng, nhiễm khuẩn toàn thân, bệnh lý ác tính, suy giảm miễn dịch, đang dùng các thuốc chống đông… Chỉ thực hiện thủ thuật tiêm PRP khi các bệnh lý trên đã được kiểm soát tốt.

 

 TS.BS. Vũ Minh Điền

Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

 

 

 

Facebook a Comment