Trang chủ / Chuyên đề / TIỂU CẦU GIẢM SÂU, MEN GAN TĂNG CAO, SUY CÁC CƠ QUAN DO MẮC THỦY ĐẬU NẶNG

TIỂU CẦU GIẢM SÂU, MEN GAN TĂNG CAO, SUY CÁC CƠ QUAN DO MẮC THỦY ĐẬU NẶNG

03/05/2024 14:59          918     

Ngày 20/4/2024, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 05 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. (Trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi).

 Người nhà bệnh nhân mua thuốc nam về sắc cho uống, nhưng không đỡ, được đưa vào cơ sở y tế gần nhà điều trị. Tại đây bệnh nhân có được sử dụng thuốc Dexamethasone (một thuốc corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh) dạng tiêm. Sau đó bệnh thủy đậu đột ngột tiến triển nặng lên, mụn phỏng nước nổi dầy đặc toàn thân, bệnh nhân sốt cao 40 – 41 độ C, đau nhiều vùng thắt lưng, không đi lại được, bụng chướng căng, bí trung đại tiện, xuất hiện nhiều mụn mủ trên da. Bệnh nhân được nhập viện vào bệnh viện đa khoa tỉnh rồi chuyển lên khoa Cấp cứu - bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này đã trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm, yếu hai chân, chướng bụng liệt ruột. Kèm theo bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, mê sảng, kích thích. Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Bệnh nhân được hội chẩn, chẩn đoán: Thủy đậu mức độ nặng có bội nhiễm - liệt ruột cơ năng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thuốc kháng vi rút thủy đậu (Acyclovir) dạng truyền tĩnh mạch, các thuốc kháng sinh, điều chỉnh các rối loạn đông máu – chảy máu, hỗ trợ về hô hấp, dinh dưỡng. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân cũng dẫn ổn định, sốt giảm, ý thức tỉnh táo, ăn được, bụng đỡ chướng, các xét nghiệm đông máu dần cải thiện. Và sau 2 tuần điều trị, (chiều ngày 03/5/2024) bệnh nhân đã phục hồi tốt, mụn nước thủy đậu cũng thoái triển dần, các cơ quan phục hồi và bệnh nhân được cho xuất viện về nhà.

Ths. BS Trần Văn Bắc cho biết: Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Varicella Zoster, thuộc họ Herpesviridae, gây nên. Các biểu hiện của thủy đậu bao gồm sốt, nhức mỏi, chán ăn, đau đầu, đau cơ, kèm với nổi ban đỏ phỏng nước ở da và niêm mạc (miệng, mắt, tiết niệu,…). Phỏng nước thường mọc ở vùng đầu mặt và thân mình trước, sau đó lan dần ra toàn thân.

Thủy đậu lây trực tiếp từ người sang người thông qua các giọt bắn đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết mũi) khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện. Ngoài ra, bệnh có thể lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch phỏng nước thủy đậu, hoặc gián tiếp thông qua cầm nắm các vật dụng có dính chất tiết phỏng nước.

Bệnh thường diễn tiến lành tính và bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiễm thủy đậu ở trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng. Các biến chứng nặng như viêm phổi nặng, viêm não- màng não, viêm khớp... có thể dẫn đến tử vong. Riêng phụ nữ mang thai nếu nhiễm thủy đậu có thể gia tăng tần suất sảy thai, đẻ non và đặt biệt là dị tật cho thai nhi.

Khi có các triệu chứng bệnh thủy đậu, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đa số các trường hợp thủy đậu có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) hoặc có biến chứng thủy đậu, thì sẽ được nhập viện để theo dõi sát và điều trị tích cực.  

Bác sĩ Bắc đặc biệt lưu ý:  Khi bị Thủy đậu, người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, nhất là các thuốc có chứa thành phần corticosteroid, làm tăng nguy cơ diễn biến nặng.

Từ khoá:
Facebook a Comment