Ngày 02/4/2024, Khoa Ngoại Tổng hợp - Tiết niệu - Nam học đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 75 tuổi ở đến từ tỉnh Thái Bình
Bệnh nhân có tiền sử có phì đại tiền liệt tuyến, tiểu khó Trước đó, ngày 08/3/2024, bệnh nhân có đến cơ sở y tế được chỉ định chụp cộng hưởng từ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nghi ngờ có ung thư tinh hoàn, bệnh nhân được chỉ định cắt hai bên tinh hoàn, mở thông bàng quang và điều trị hóa chất. Nhưng chỉ sau 2 ngày mổ bệnh nhân có tình trạng đột ngột ngừng tim và được cấp cứu kịp thời. 30 phút sau bệnh nhân lại xuất hiện ngưng tim lần 2 cũng được cấp cứu thành công. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế cao hơn để tiếp tục điều trị rối loạn nhịp tim mạch. 2 tuần điều trị bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng Brugada (là bệnh kênh ion di truyền làm tăng nguy cơ bị nhịp nhanh thất (VT) và rung thất (VF) dẫn đến ngất và đột tử) đã đặt máy ICD (máy khử rung). Tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng về tiết niệu: Bệnh nhân còn tiểu buốt đầu dương vật, dẫn lưu bàng quang trên mu ra nước tiểu đục, không nôn không sốt, được chuyển đến Khoa Ngoại Tổng hợp - Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị. Tại khoa Ngoại Tổng hợp – Tiết niêu – Nam học, bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm chụp chiếu và làm giải phẫu và được chẩn đoán u phì đại tiền liệt tuyến lành tính. Nhưng bệnh nhân đã lớn tuổi, thể trạng yếu, lại vừa đặt máy khử rung (một trong những chống chỉ định của sử dụng dao điện trong phẫu thuât). Do đó, kỹ thuật Phẫu thuật nội soi bóc u tiền liệt tuyến bằng Laser Holmium (HoLEP) để bóc toàn bộ tuyến tiền liệt đã được lựa chọn. Ca phẫu thuật diễn ra an toàn. Sau phẫu thuật bệnh nhân phục hồi tốt, không có rối loạn nhịp tim, tiểu mạnh và dễ dàng như thanh niên 20t. Bệnh nhân cảm thấy thỏa mái hơn, thể trạng phục hồi nhanh.
Ths. Bs Lê Hữu Đoàn, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp tiết niệu và nam học cho biết: U phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lý do sự phát triển lành tính của tuyến tiền liệt, gây ra những biến loạn ở vùng cổ bàng quang, đặc biệt là làm cản trở dòng tiểu đi ra từ bàng quang. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới trung niên, tỉ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi, khoảng 40 – 50 % nam giới mắc chứng bệnh phì đại tiền liệt tuyến. Bệnh gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, thường gặp. Các triệu chứng do kích thích: Đái nhiều lần nhất là về ban đêm gây mất ngủ. Đái vội: Bệnh nhân có cảm giác buồn đái dữ dội, có cảm giác nước tiểu són ra ngoài không kiểm soát được. Đái buốt thường kèm với viêm đường tiết niệu. Các triệu chứng do chèn ép: Đái khó, phải rặn gắng sức, tia nước tiểu yếu, đái xong không có cảm giác thoải mái. Một số bệnh nhân có thể biểu hiện bí đái hoàn toàn (khoảng 25% bệnh nhân đến khám vì bí đái cấp tính)… Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
U xơ tiền liệt tuyến hay u phì đại tiền liệt tuyến là căn bệnh ám ảnh các quý ông trung niên. Căn bệnh này gây ra chứng tiểu khó, tiểu nhiều lần,... làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Tùy vào kích thước của u phì đại tuyến tiền liệt, độ tuổi, sức khỏe và mức độ khó chịu do triệu chứng gây ra, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật theo các phương pháp khác nhau.
Theo Ths.BS Trần Thượng Việt, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp- Tiết niệu và Nam học bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hiện nay có 04 phương pháp phẫu thuật điều trị u phì đại tiền liệt tuyến gồm:
1. Bóc nhân tiền liệt tuyến bằng laser (HoLEP) Đây được coi là phương pháp hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay, phương pháp này vừa áp dụng cho u dưới 80g như TURP vừa áp dụng tốt cho u trên 80g như mổ mở, ngoài ra do sử dụng năng lượng laser không gây nhiễm từ trên các thiết bị tạo nhịp nên áp dụng an toàn cho các bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp tim, máy khử rung .Năng lượng laser được sử dụng để bóc nhân tuyến tiền liệt, đẩy vào bàng quang, kết hợp cùng máy xay mô để xay nhỏ và hút ra ngoài. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, không có vết mổ, ít chảy máu thời gian lưu thông tiểu và nằm viện ngắn hơn TURP(cắt bỏ Tuyến tiền liệt qua đường nội soi), có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chống đông máu, người bệnh có mang máy tạo nhịp tim. Ngoài ra do bóc toàn bộ tiền liệt tuyến nên tỉ lệ tái phát thấp hơn nhiều so với phương pháp TURP vốn được coi là tiêu chuẩn vàng của phẫu thuật u xơ tiền liệt tuyến trước khi HoLEP ra đời.
2. Phẫu thuật mở Trước đây, người bệnh mắc u xơ tuyến tiền liệt có trọng lượng lớn (trên 80g) thường sẽ được chỉ định mổ mở. Những biến chứng có có thể xuất hiện khi áp dụng phương pháp điều trị này là nhiễm khuẩn, chảy máu, hẹp cổ bàng quang, tiểu không tự chủ, phóng tinh ngược dòng. Chính vì thế, hiện nay phương pháp này không còn phổ biến, thay vào đó là những phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn.
3. Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường nội soi (TURP) Đây là phương pháp phẫu thuật tuyến tiền liệt được áp dụng cho bệnh nhân có u lớn khoảng 60 – 70g. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, vết thương nhanh lành, người bệnh có thể sớm đi tiểu theo đường tự nhiên. Một số biến chứng của TURP là thương tổn cơ thắt ngoài dẫn tới tiểu không tự chủ, chảy máu, áp-xe bàng quang, hẹp niệu đạo, rối loạn cương dương…
4. Phẫu thuật rạch tuyến tiền liệt qua ngã niệu đạo (TUIP) Phẫu thuật này được chỉ định khi người bệnh có tuyến tiền liệt nhỏ hoặc có vấn đề sức khỏe không thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật khác. Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi đưa vào niệu đạo, cắt 1 hoặc 2 đường rãnh nhỏ tại cổ bàng quang, giúp nước tiểu lưu thông trong niệu đạo dễ dàng hơn. Các biến chứng của phương pháp phẫu thuật này là són tiểu, phóng tinh ngược… tỷ lệ phải phẫu thuật lại tại thời điểm 12 tháng và 24 tháng cao hơn so với TURP.
Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang gặp rắc rối với căn bệnh này, đừng ngần ngại liên hệ với khoa ngoại Tổng hợp – Tiết niệu và Nam học để được tư vấn qua số điện thoại:
0982251946 - BSCKII. TRẦN THƯỢNG VIỆT – Trưởng khoa
hoặc: 0982212558 - ThS. BS. LÊ HỮU ĐOÀN – Phó trưởng khoa