Trang chủ / Chuyên đề / CỤ BÀ 73 TUỔI PHẪU THUẬT SỎI TÚI MẬT VỚI BIẾN CHỨNG HIẾM GẶP

CỤ BÀ 73 TUỔI PHẪU THUẬT SỎI TÚI MẬT VỚI BIẾN CHỨNG HIẾM GẶP

18/12/2023 13:56          1,752     

Khoa Ngoại Gan mật- Tiêu hóa và ung bướu vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 73 tuổi ở Bắc Giang có tiền sử tăng huyết áp và viêm gan B mãn tính có điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị sỏi túi mật phát hiện nhiều năm trước nhưng không điều trị. Khi xuất hiện đau bụng hạ sườn phải nên bệnh nhân đi khám thì phát hiện có sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cắt túi mật và lấy sỏi ống mật chủ. Trong quá trình phẫu thuật, các Bác sĩ Khoa Ngoại gan mật, tiêu hóa và ung bướu phát hiện một biến chứng hiếm gặp của sỏi túi mật – đó là một lỗ thông rò giữa túi mật và D2 tá tràng (đoạn tá tràng thứ 2). Đây là biến chứng hiếm gặp, được đặt tên là hội chứng Mirizzi. Là biến chứng hiếm gặp, xảy ra do sỏi túi mật không được điều trị đã làm viêm, hoại tử túi mật.

      

                           Giải phẫu túi mật                         

         

             Hội chứng Mirizzi

Bs Nguyễn Kiều Hưng, khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu cho biết: Trước tình huống phức tạp này, chúng tôi đã phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật, đóng lỗ rò vào tá tràng, mở thông hỗng tràng nuôi dưỡng và mở ống mật chủ lấy sỏi, bơm rửa đường mật, đặt dẫn lưu Kehr. May mắn cho bệnh nhân là quá trình viêm, hoại tử túi mật đã dính và gây ra 1 đường rò vào D2 tá tràng. Nhờ đường rò này mà bệnh nhân không bị rò mật vào trong ổ bụng. Biến chứng hiếm gặp này của sỏi túi mật cho thấy tính chất khó lường của bệnh lý này và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ và điều trị. Sau mổ bệnh nhân diễn biến ổn định.

              

Bệnh nhân có sức khỏe ổn định sau phẫu thuật

                

                                         Sỏi túi mật

Thủ phạm thầm lặng: Sỏi túi mật:

Theo Bs Nguyễn Kiều Hưng, khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu: Sỏi túi mật là những hạt rắn hình thành âm thầm theo thời gian trong túi mật, một cơ quan nhỏ dính vào mặt dưới gan. Những viên sỏi này có thể khác nhau về kích thước và thành phần, thường phát triển khi sự cân bằng của các chất tạo nên mật – cholesterol, muối mật và bilirubin – bị phá vỡ. Nhiều người bị sỏi túi mật có thể không có triệu chứng, nhưng nguy cơ biến chứng sẽ tăng theo thời gian nếu không được điều. Sỏi túi mật có thể là mối đe dọa thầm lặng đối với sức khỏe con người, thường không gây ra triệu chứng cho đến khi có biến chứng.

Tầm quan trọng của sự can thiệp kịp thời:

Qua trường hợp bệnh nhân trên, BS Hưng khuyến cáo: sỏi túi mật tuy là bệnh lý thường gặp nhưng không thể coi thường vì có thể gây những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và có biện pháp điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa các biến chứng, cải thiện kết quả điều trị, hoặc đôi khi là thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Sỏi túi mật có thể ảnh hưởng đến bất cứ bệnh nhân nào, bất kể tiền sử bệnh trước đó. Trường hợp này như một lời nhắc nhở rằng việc phát hiện sớm, kiểm tra kỹ lưỡng và can thiệp kịp thời là điều tối quan trọng nhằm tránh các biến chứng không đáng có.

Bài và ảnh: Nguyễn Kiều

Facebook a Comment