Trang chủ / Tin tức / Ông đốc-tờ bình dân Phạm Ngọc Thạch

Ông đốc-tờ bình dân Phạm Ngọc Thạch

05/07/2012 07:26     47,002      66,759     

Ông là một thành viên trong Chính phủ Hồ Chí Minh, là danh nhân còn lưu lại tên tuổi trên các đường phố ở Hà Nội và TP.HCM.

Đã gần 65 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (1945 - 2010). Độ lùi càng xa, ta càng thấy rõ hơn tầm vóc của các sự kiện và nhân vật. Chúng tôi xin phác họa lại diện mạo Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng Lao động, một trí thức tiên phong, mẫu mực, hết lòng vì nước, vì dân, nhằm giúp các bạn trẻ hôm nay hình dung được phần nào quá khứ hào hùng.
 
"Ông đốc - tờ bình dân"

“Rắp đem bầu rượu làm vui

Nhưng còn lo liệu bệnh người sao đang...

Đạo làm thuốc là một nhân thuật có sứ mạng giữ gìn sinh mệnh của người đời, phải biết lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự, mà không hề cầu lợi, kể công. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán, như thế người sống trách móc, người chết oán hờn, làm sao mà tha thứ được!”

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức, hỏi chuyện Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (người cắt tóc cao, ngồi hàng đầu, bên trái) và GS Tôn Thất Tùng (người ngồi ở giữa, đeo kính râm).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức, hỏi chuyện Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (người cắt tóc cao, ngồi hàng đầu, bên trái) và GS Tôn Thất Tùng (người ngồi ở giữa, đeo kính râm).

 

Mấy trăm năm về trước, Hải Thượng Lãn Ông đã nêu lên những nguyên lý đạo đức giản dị mà trong sáng tuyệt vời cho y giới Việt Nam. Có thể nói, Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch chính là người thầy thuốc hiện đại suốt đời nêu cao y đức mang màu sắc Việt Nam cao quý do Lãn Ông đề xướng.

Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, “đốc-tờ Thạch” đã nổi tiếng giữa chốn Sài Gòn hoa lệ về tính giản dị và lòng thương người.

Một đêm có bà mẹ nghèo ở hẻm nhỏ lâm bệnh bất ngờ. Bác người nhà bối rối đánh liều đến gõ cửa phòng khám của đốc-tờ Thạch. Từ trong chiếc màn con căng trên cái ghế vải đặt dưới gốc cây xoài ngoài vườn, một anh thanh niên quần cộc, mình trần chui ra.

Bác ta tưởng đâu đó là chú bồi giúp việc cho ông đốc-tờ lừng lẫy tiếng tăm. Nào ngờ, chỉ một loáng sau, chính “chú bồi” tự mình lái xe hơi vun vút lao đi thăm bệnh. Ở Sài Gòn, ngay từ dạo ấy, “anh Tư Thạch” đã nổi tiếng là “ông bác sĩ bình dân” luôn vui lòng khám, chữa bệnh không lấy tiền cho các anh, các chị thợ thuyền, phu phen, các bác kéo xe, khuân vác, các em bán báo, đánh giày...

Sau những năm học tập ở Hà Nội, rồi ở nước ngoài, ông trở thành một chuyên gia xuất sắc về ngành lao. Trong toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp thời ấy, ông là hội viên duy nhất của Hội Nghiên cứu về lao của nước Pháp.

Trở lại Sài Gòn, mở phòng khám ở một đường phố lớn, hoàn toàn có điều kiện để tận hưởng cảnh giàu sang, nhưng ông không coi đó là cái chí của “người hành y đạo”. Phòng khám của đốc-tờ Thạch không chỉ là nơi chữa chạy các căn bệnh hiểm nghèo cho những ai lam lũ héo hon, mặc áo cộc, đi guốc mộc, mà còn là chốn lui tới của những chiến sĩ cách mạng đã từng nếm trải cảnh lao lung tù đày.

Ông là người tổ chức phong trào Thanh niên Tiền phong, tập hợp những bạn trẻ đầy nhiệt huyết sẵn sàng “cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng”, quyết chí “không phò nhà Nam”. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử vào UBND Cách mạng lâm thời thành phố Sài Gòn...

Nhà nghiên cứu bệnh lao được thế giới biết tiếng

Năm 1954, miền bắc nước ta được giải phóng, BS Phạm Ngọc Thạch giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng Viện Chống Lao trung ương. Mặc dù hết sức bận rộn công việc tổ chức và lãnh đạo, ông vẫn không chịu rời bỏ nghiên cứu khoa học, xao lãng chuyên môn.

Vaccine B.C.G. chết là công trình độc đáo của một tập thể thầy thuốc chống lao, do BS Phạm Ngọc Thạch đứng đầu. Không cần tủ lạnh (lúc bấy giờ rất hiếm có), ai cũng có thể bảo quản và bảo quản được lâu, B.C.G chết có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, miền ngược, miền xuôi. Hàng chục triệu người được tiêm phòng lao bằng loại vaccine ấy. Số người mắc bệnh giảm hẳn. Hơn 60 viện nghiên cứu ở 40 nước gửi thư đề nghị BS Phạm Ngọc Thạch cung cấp tài liệu về B.C.G. chết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (người mặc áo ka-ki màu sáng) thăm một trận địa pháo phòng không trong chiến tranh chống Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (người mặc áo ka-ki màu sáng) thăm một trận địa pháo phòng không trong chiến tranh chống Mỹ.

Tạp chí Tubercle của Hội Nghiên cứu bệnh phổi và bệnh lao ở Anh đăng bài giới thiệu công trình về B.C.G. chết và nhận xét: “Đối với các nước đang phát triển, phương pháp phòng và chống lao của BS Phạm Ngọc Thạch là phương pháp tốt nhất.” Ông đã dành hơn ba năm trời và biết bao nghị lực cho công trình ấy.

Với kinh nghiệm lâm sàng phong phú và kiến thức chuyên môn sâu rộng, ông còn nghiên cứu về nhiều dạng bệnh phổi chưa ai nói tới ở nước ta như: nấm phổi, ký sinh trùng phổi, giãn phế quản khô chảy máu, phổi nhiễm bụi than, bụi si-líc, v.v. Cả một chương bệnh lý mới về các bệnh đường thở ở Việt Nam được mở ra với các công trình của ông. Ông cũng là người đầu tiên dùng kích sinh chất Filatov tiêm vào các huyệt vị kinh lạc để chữa bệnh lao phổi, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh. Nhiều phương pháp do ông đề xướng ngày nay không còn được áp dụng nữa, nhưng trong những năm tháng chiến tranh, hàng trăm nghìn người bệnh đã được ông và đồng nghiệp của ông chữa khỏi bằng các phương pháp ấy.

Là người thầy thuốc cách mạng, căm phẫn sâu sắc những di sản lạc hậu của xã hội cũ, ông hết sức quan tâm đến công tác phòng dịch và tiêu diệt các bệnh xã hội, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế nông thôn. Lịch sử ngành y - dược nước ta ghi nhận những đóng góp to lớn của vị Bộ trưởng - Anh hùng Lao động vào sự nghiệp nhân đạo cao cả trị bệnh, cứu người…

Đột ngột qua đời ở tiền phương, để lại niềm tiếc thương vô hạn

Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 7/11/1969, BS Phạm Ngọc Thạch mãi mãi nằm xuống tại một khu căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi tỉnh Tây Ninh do viêm phúc mạc mật và sốt rét ác tính.

GS Hồ Đắc Di, một người cao tuổi hơn, lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, nói lên nỗi lòng đau xót trước tin dữ bất ngờ:

“Anh Phạm Ngọc Thạch đã mất rồi ư? Cái tin đau buồn ấy ập đến làm tôi bàng hoàng xúc động tới mức chưa thể tin ngay. Đọc những dòng cáo phó trên báo mà hai mắt tôi cứ nhoà đi, lòng tôi như thắt lại. Dường như anh vẫn đứng đó, vẫn ngồi đây. Dáng người, tiếng nói của anh, tôi làm sao quên được.

Mới hôm nào đây thôi, trước lúc anh lên đường đi nam, trong bữa cơm gia đình rất thân mật, các anh Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước và tôi có dịp trò chuyện cùng anh... Tất cả chúng tôi đều hân hoan trong buổi gặp mặt hôm ấy... Anh bàn với chúng tôi về những đề tài y học cần nghiên cứu. Anh trao đổi ý kiến và căn dặn chúng tôi những việc cần làm gấp để phục vụ tiền phương...

Tạm biệt chúng tôi, anh hẹn sau chuyến đi nghiên cứu trở về sẽ gặp lại để bàn những yêu cầu cấp bách do những nhiệm vụ mới của cách mạng đề ra. Khi chia tay, hơi nóng nơi bàn tay anh nắm chặt, thắm tình đồng chí còn ấm mãi trong bàn tay tôi... Thế mà giờ đây, anh không còn nữa!...

Quá xúc động, nghệ sĩ Diệp Minh Châu làm việc liền 72 tiếng đồng hồ, quên ăn quên ngủ, nặn xong bức tượng nửa người Anh Tư Thạch để kịp đặt lên bệ đá trong buổi lễ truy điệu của ngành y.

Nhà triết học, nhà văn Pháp rất nổi tiếng Jean-Paul Sartre gửi điện chia buồn:

“Chúng tôi khâm phục và yêu mến nhân cách cao thượng, trí thông minh và lòng tận tuỵ của ông.”

Nhà toán học Pháp Laurent Schwartz, người được tặng Huy chương Fields (như Giải thưởng Nobel trong toán học), viết:

“Thật là một bậc thầy thuốc vĩ đại, một nhà chính trị lớn, một con người giàu lòng nhân ái.”

Giáo sư André Roussel nhận xét về BS Thạch:

“Đúng là một người hiền cao cả.”

Nhà nước ta đã truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho BS Phạm Ngọc Thạch về Cụm 34 công trình khoa học phòng và chống bệnh lao ở Việt Nam, cũng như về Các nguyên tắc của nền y tế nhân dân, mạng lưới y tế cơ sở, y tế nông thôn do ông đề xướng và tổ chức thực hiện.

Về BS Phạm Ngọc Thạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng nhận xét:

“BS Phạm Ngọc Thạch là một chiến sĩ cách mạng kiên cường (...). Ông đã nêu gương về cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu để giải quyết một cách sáng tạo và độc đáo những vấn đề khó khăn và phức tạp của việc thanh toán những bệnh tật do chế độ cũ để lại.”

GS Hồ Đắc Di ghi lại trong hồi ký:

“Tôi nhớ những lần cùng anh Thạch đi công tác ra nước ngoài. Anh chăm chú học hỏi kinh nghiệm các nước, tìm hiểu kỹ những việc họ đang làm, lắng nghe dự kiến của họ về tương lai. Nhưng tất cả những điều đó không hề làm lu mờ, suy giảm óc suy nghĩ độc lập của anh.

Anh thường nói với tôi: “Chúng ta học kinh nghiệm của các nước để có thể nhìn thấy rõ hơn những điều chúng ta cần làm trên đất nước ta hôm nay và ngày mai. Nhưng chúng ta phải nắm chắc thực tế nước ta và phải sáng tạo.” Các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới mà tôi đã có dịp tiếp xúc đều tỏ ý cảm phục anh về lòng tự tôn dân tộc và tinh thần độc lập suy nghĩ.”

Ở Hà Nội cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh đều có đường phố mang tên người thầy thuốc Phạm Ngọc Thạch tận tuỵ vì dân.


Hàm Châu

(Theo http://bee.net.vn)

Facebook a Comment