Trang chủ / Tin tức / Ngỡ ngàng… sự nghiệp ứng dụng CNTT ở ngành Y

Ngỡ ngàng… sự nghiệp ứng dụng CNTT ở ngành Y

15/10/2012 08:15     17,666      26,538     

Câu hỏi đặt ra cho ngành y là: ai cũng biết, nhiệm vụ chính của Bác sỹ là khám chữa bệnh, nhưng hiện nay các bác sỹ lại phải dành tới 75% thời gian làm việc cho công tác hành chính, giấy tờ (tức 6/8 giờ làm việc hàng ngày cho thủ tục hành chính - PV) thì lấy thời giờ đâu tập trung cho công tác chuyên môn? Tại các tuyến y tế cơ sở, đơn cử một số trạm y tế xã phường, vẫn tồn tại việc mỗi ngày cán bộ y tế phải nhập dữ liệu cho khoảng 25 sổ báo cáo, điều mà đáng lẽ hoàn toàn có thể nhờ ứng dụng CNTT để giảm đáng kể thời gian nhập dữ liệu theo cách thủ công, giấy tờ.

Đó là một trong những vấn đề được chính Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long “bộc bạch” tại Hội nghị Quốc gia về ứng dụng CNTT ngành Y tế lần thứ VI, diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 5 vừa qua khi nói về thực trạng ứng dụng CNTT của ngành Y tế.

Với chủ đề “Các giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm tải bệnh viện”, Hội nghị kể trên đã tập trung đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng CNTT và kế hoạch tổng thể triển khai ứng dụng và phát triển CNTT ngành Y tế giai đoạn 2011-2015, trong đó khâu ứng dụng các giải pháp đột phá được coi là điểm nóng của ngành.

Kém ứng dụng, lãng phí cao

Nhìn thẳng vào sự thật, Thứ trưởng Long cho biết: trong ngành Y tế việc ứng dụng CNTT vô cùng yếu; hạ tầng phần cứng chưa được đầu tư tương xứng; phần mềm sử dụng không thống nhất, các phần mềm ứng dụng tại các cơ sở y tế hầu hết đầu tư theo các dự án riêng biệt “mỗi nơi một phách” gây lãng phí. Chính vì vậy việc quản lý dữ liệu không có sự kết nối, liên thông được với nhau trong quản lý bệnh nhân cũng như quy trình khám chữa bệnh.

Về mức độ ứng dụng CNTT, hệ thống tuyến y tế TW tuy có ứng dụng CNTT khá nhưng vẫn theo kiểu, việc ai nấy làm; tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến y tế dự phòng thì vừa thiếu vừa yếu. Nhiều nơi CNTT vẫn chưa tới được do khó khăn cả về vốn lẫn nhân lực. Cụ thể, tuyến y tế TW mức độ ứng dụng các dịch vụ công mới dừng ở cấp độ II, nhưng cũng không đồng đều giữa các bệnh viện. Trong khi tuyến bệnh viện các tỉnh thành, hầu như việc ứng dụng CNTT rất hạn chế, mọi thủ tục hành chính, quản lý vẫn dựa trên giấy tờ là chủ yếu. Đặc biệt có những thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế tiết lộ khiến nhiều người không khỏi… giật mình như: trụ sở cơ quan Bộ Y tế có 2 địa điểm trên đường Giảng Võ và phố Núi Trúc, tuy rất gần nhau nhưng việc liên thông đơn giản nhất là mạng LAN giữa các Cục, Vụ trong Bộ vẫn chưa làm được.

Hoặc đơn cử như bệnh viện lớn tuyến TW như Bạch Mai được coi là triển khai ứng dụng CNTT khá của ngành nhưng việc ứng dụng CNTT và các phần mềm quản lý bệnh viện (quản lý hành chính, quản lý bênh nhân, quản lý quy trình khám chữa bệnh/ cấp phát thuốc/ theo dõi tình trạng tiến triển…) cũng rất tùy tiện, lãng phí và chưa hiệu quả. Cụ thể, tại hầu hết các Khoa, phòng khám trong bệnh viện triển khai Chương trình ứng dụng khám bệnh từ xa (Telemedicine) lại sử dụng tới 18 phần mềm quản lý thuộc 9 công ty khác nhau xây dựng. Chính việc đầu tư chồng chéo, không thống nhất và thiếu đi “nhạc trưởng” điều phối khiến mục đích áp dụng CNTT vào quản lý tại bệnh viện Bạch Mai không đạt yêu cầu, gây lãng phí vô cũng lớn. Hệ lụy là khi dữ liệu quản lý không thể liên thông giữa các Khoa nên trong cùng bệnh viện, khi bệnh nhân muốn chuyển khác lại phải khai báo thông tin cá nhân/tình trạng bệnh lý lại từ đầu. Trong khi đó ứng dụng đặt lịch khám (yêu cầu đầu tiên của chương trình khám từ xa -PV) tại nhà cũng chưa thực hiện được. Bệnh nhân vẫn phải đến trực tiếp bệnh viện xếp hàng lấy số, khiến khâu đón tiếp/xét nghiệm và khám chữa tại bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nhất là Khoa khám bệnh theo yêu cầu.

Trong khi đó mảng đào tạo, ứng dụng CNTT tại tuyến y tế cơ sở cũng được Bộ Y tế tự đánh giá là vô cùng yếu kém. Cán bộ ngành y sau khi ra trường làm việc vẫn phải thường xuyên cập nhật thông tin, học tập kiến thức mới, nhất là những thành tựu KHCN trong khám và điều trị. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống đào tạo trực tuyến thống nhất nên muốn đào tạo nâng cao hay phổ biến thông tin cho cán bộ ngành y là vô cùng khó khăn. Lấy ví dụ như E-learning (đào tạo điện tử) – một nghiệp vụ mang tính bắt buộc để bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế, nhưng hiện này mỗi nơi thực hiện một kiểu, rất lãng phí nguồn lực đầu tư mà hiệu quả đem lại không cao. Chính vì vậy Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng Đề án Tin học hóa y tế cơ sở, với mục tiêu giúp cán bộ y tế dễ dàng tiếp cận thông tin KHCN về khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng nhiều nơi không hề được đào tạo và cập nhật tin tức như hiện nay.

Đặc biệt khâu quản lý hành chính đang chiếm quá nhiều thời gian của đội ngũ y bác sỹ, theo ông Nguyễn Thanh Long, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế chỉ mới dừng lại ở mức độ tính toán, ít phục vụ cho chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện. Theo báo cáo, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn quá nhiều biểu mẫu thống kê, sử dụng nhiều loại sổ sách khác nhau (cá biệt có đơn vị sử dụng đến 25 loại sổ sách), khi mà những dữ liệu này hoàn toàn có thể nhập một lần vào máy tính.

Tuy nhiên, khi việc ứng dụng CNTT không thống nhất, đồng bộ thì hiệu quả không thấy đâu, mà theo một vài đại biểu tại hội thảo còn cho rằng, nó còn tạo thêm gánh nặng cho nhân viên y tế khi mà vừa phải ghi chép sổ sách vừa phải nhập dữ liệu vào máy tính.

Tăng tốc ứng dụng CNTT vào nghiệp vụ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng ứng dụng CNTT trong ngành y tế còn manh mún, dàn trải, thiếu các dự án tổng thể và chất lượng các dự án không cao; Nhân lực chuyên môn về CNTT tại các cơ sở y tế và các đơn vị y tế thiếu, mất cân đối, tự phát, không thống nhất và đây được coi là điểm yếu rất cơ bản, những “nút thắt” cần sớm khắc phục…

Hiện nay Bộ Y tế đã xác định được 247 thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan Bộ trong các lĩnh vực như dược, mỹ phẩm; khám chữa bệnh; y học cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị và công trình y tế; y tế dự phòng và môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức cán bộ… Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là 100% dịch vụ công đơn giản liên quan đến hành chính phải được cung cấp thông tin trên môi trường mạng, số dịch vụ công trực tuyến ở mức 2 là 245 dịch vụ (chiếm 99,2%) phải sớm được hoàn thành.

Về ứng dụng phần mềm, do đặc thù ngành y nên hầu hết các cơ sở y tế đã đưa vào sử dụng các phần ứng dụng như: quản lý nhân sự, vật tư - tài chính, quản lý công văn… đều chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn. Thực tế đã có tới hơn 65% bệnh viện toàn quốc ứng dụng phần mềm báo cáo thống kê của bệnh viện; 20% bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện. Một số bệnh viện tuyến trung ương đã hình thành bệnh viện vệ tinh có hệ thống y tế từ xa như Bệnh viện Nhi T.Ư, Việt Đức, Bạch Mai… nhằm tư vấn cho các bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phần mềm vẫn chưa có được kết quả như mong muốn. Chính vì vậy, Bộ Y tế xác định các đơn vị cần hỗ trợ để các nhà cung cấp dịch vụ tin học xây dựng các phần mềm ứng dụng chuyên biệt trong một số lĩnh vực như quản lý bệnh viện, quản lý trang thiết bị, quản lý đào tạo,… đồng thời Bộ Y tế cho sử dụng một số chuẩn quốc tế làm cơ sở xây dựng các phầm mềm ứng dụng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị việc cần làm ngay là đánh giá đúng thực trạng về những khó khăn, yếu kém đối với việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế, nhất là ở y tế cơ sở. Như vậy ngay trong năm 2012, Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai một số dự án ưu tiên nhằm tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y tế; đăng ký vốn năm 2013 cho dự án “Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám chữa bệnh”; xây dựng chuẩn CNTT trong ngành y tế; nâng cao năng lực hệ thống thông tin y tế; xây dựng dự án quản lý bệnh nhân sử dụng công nghệ Smartcard với mã bệnh nhân thống nhất; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án "Xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa"...

Đặc biệt năm 2012, Bộ Y tế cũng sẽ gấp rút kiện toàn tổ chức CNTT, như việc thành lập Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế và phòng Công nghệ thông tin ở tất cả các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt; ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia như phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án Internet cộng đồng nông thôn - Hợp phần Bộ Y tế. Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2015 có các phần mềm hỗ trợ 100% hoạt động quản lý, điều hành tại cơ quan Bộ Y tế; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ứng dụng CNTT để quản lý mọi mặt hoạt động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ hành chính. Qua đó rút ngắn thời gian cho thủ tục hành chính, để bác sỹ có điều kiện chuyên tâm vào công tác chuyên môn.

Thiếu “tài” hay thiếu tầm?

Tài chính và tầm nhìn là 2 chủ đề được nói đến nhiều nhất tại Hội nghị ứng dụng CNTT ngành Y tế vừa qua. Nhân lực CNTT ngành y nói chung đang thiếu, ngay Bộ Y tế cũng chưa thành lập được Cục ứng dụng CNTT để làm đầu mối chỉ đạo và thực hiện các dự án CNTT toàn ngành theo hướng tập trung, thống nhất. Trong khi đó, nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án CNTT cũng thiếu và không được các đơn vị chú ý đầu tư đúng mức.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Vụ trưởng Vụ KHĐT: kinh phí cho CNTT đã có mục chi tiêu riêng, nhưng kinh phí được duyệt cho mỗi dự án rất ít, khoảng 500 triệu đồng trên mỗi dự án. TCụ thể, có những dự án hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nếu muốn triển khai khiến nhiều đơn vị sau khi được phê duyệt không hề thực hiện, hoặc nếu làm một “mẩu”, hết tiền thì dừng lại gây lãng phí lớn.

Đặc biệt sau Hội nghị ứng dụng CNTT ngành Y tế lần thứ V (năm 2009), Bộ Y tế đã có chỉ thị 02/CT-BYT về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT toàn ngành, trong đó cho phép ưu tiên dành tối thiểu 1% kinh phí từ các nguồn cho đầu tư CNTT. Tuy nhiên, nhiều nơi đã không thực hiện việc này. Đau lòng hơn, theo ông Phương trăn trở, rất nhiều địa phương chỉ trông chờ tiền hỗ trwoj, tiền dự án của Chính phủ rót về khiến việc triển khai ứng dụng CNTT tại các đơn vị được thực hiện theo kiểu có tiền dự án thì có ứng dụng, hết tiền thì… thôi.

Tiền thì thiếu, trong khi tầm nhìn của lãnh đạo đơn vị - liệu pháp cuối cùng giải quyết vướng mắc việc triển khai ứng dụng CNTT liệu có thiếu? Thật bất ngờ khi lãnh đạo Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận: nhân lực - công nghệ - phần mềm… thiếu thì có thiếu, nhưng không thực sự là vấn đề trọng yếu, mà ngành y đang thiếu những “thuyền trưởng” tại các đơn vị.

Ứng dụng CNTT ngành y đang không được đầu tư tương xứng với yêu cầu, lấy ngay ví dụ như Trung Quốc, dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng thu nhập đầu người còn thấp, chăm sóc y tế còn kém phát triển. Tuy nhiên nước này đã mạnh dạn đầu tư rất lớn cho hệ thống khám chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở, đặc biệt là tích cực ứng dụng CNTT cho các trung tâm ý tế lớn, qua đó các bệnh viện tuyến dưới đã “chia lửa” rất tốt đối với các bệnh viện tuyến trên, không có hiện tượng quá tải, dồn về Trung ương như ở Việt Nam.

Có thể nói, câu chuyện ứng dụng CNTT ngành Y chỉ còn trông chờ vào tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo đơn vị, mà nếu điều này cũng thiếu thì rất khó để việc ứng dụng CNTT ngành Y tế có được “quả ngọt” để tổng kết, để báo cáo tại Hội nghị Quốc gia về ứng dụng Công nghệ Thông tin ngành Y lần VII, tức là sau 2 năm nữa…

(Theo Nam Phương- taichinhdientu.vn)

Facebook a Comment