Trang chủ / Tin tức / Telemedicine “cây đèn thần” của y học

Telemedicine “cây đèn thần” của y học

09/03/2012 16:03     11,726      26,795     

Cuộc cách mạng tin học diễn ra trong vài thập kỷ vừa qua đã làm thay đổi một cách sâu rộng diện mạo của xã hội loài người. Trong y học hình thành nhiều khái niệm mới như “ Telemedicine” - y học từ xa; “Teledoctor” - bác sĩ từ xa.

chan-doan-tu-xaTelemedicine là gì?

Telemedicine là một từ ghép bắt nguồn từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” trong tiếng Latin là “mederi” nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Telemedicine được dùng nhằm mô tả cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu...

Hãy tưởng tượng, một bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc của mình khám cho một bệnh nhân cách đó hàng ngàn cây số. Chỉ cần nháy chuột là bác sĩ đã có trong tay đầy đủ thông tin về bệnh sử, thông tin kết quả thăm khám như: xét nghiệm (xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh, tế bào...), thông tin về chẩn đoán chức năng (điện tim, điện não, hô hấp...), thông tin về hình ảnh (Xquang, siêu âm,...). Đó chính là một ứng dụng của telemedicine.

Việc kết nối mạng các trung tâm y tế giúp tăng cường khả năng khai thác tài nguyên chung trong lĩnh vực y tế: thiết bị, chuyên gia, dữ liệu... Từ đó hình thành khả năng chẩn đoán hình ảnh từ xa (Teleradiology), tư vấn từ xa (Teleconsulting), hội chẩn từ xa (Telediagnostics, video-conferencing)...

Các hệ thống mạng y tế thường phân thành một số loại: Hệ quản lý thông tin bệnh viện (HIS - Hospital Information System) dùng quản lý nhân sự, tài chính..., mặt khác quản lý bệnh nhân như các thông tin về bệnh nhân nội, ngoại trú... nói chung là quản lý mảng thông tin tổng quát trong đơn vị y tế. Bệnh án điện tử (EPR - Electronic Patient Record) tích hợp đầy đủ thông tin: kết quả xét nghiệm, Xquang, cộng hưởng từ, các phiếu chẩn đoán chức năng, nội soi, kết quả chẩn đoán chung và liệu trình điều trị... sẽ được quản lý bằng cơ sở dữ liệu, có khả năng tra cứu nhanh và chia sẻ tài nguyên nhằm phục vụ cho công tác điều trị và hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ, tác dụng của thuốc...

Mạng HIS là một công cụ hiệu quả để tăng hiệu quả, tối ưu hóa hệ thống, giảm chi phí đồng thời hỗ trợ việc kiểm soát địa bàn, hỗ trợ công tác dự báo, dự phòng có hiệu quả.

chan-doan-tu-xaHệ thống thông tin và lưu trữ hình ảnh (Picture Archiving and Communication System - PACS) lưu trữ, xử lý, khai thác cơ sở dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, truyền hình ảnh động và các dữ liệu khác từ những thiết bị chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, Xquang, CT scanner, cộng hưởng từ hạt nhân... Các lĩnh vực ứng dụng nhiều nhất của PACS là Xquang từ xa (Teleradiology), bệnh học (Telepathology), chẩn đoán hình ảnh (Telemedical Imaging) và khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà (Tele-home Health Care).

Các mạng HIS và PACS của các cơ sở y tế, khi được nối liên mạng dựa trên công nghệ đường truyền tốc độ cao sẽ tạo ra liên kết theo vùng địa lý hoặc chuyên ngành, xóa bỏ được hạn chế về mặt không gian, đặc biệt ở những khu vực địa lý phức tạp, thiếu chuyên ngành. Ưu việt của telemedicine là chuyển tải thông tin nhanh, vì thế hỗ trợ điều trị bằng phương pháp mới nhất tại tuyến y tế cơ sở.

Bệnh nhân có thể sử dụng telemedicine để được tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và có thể giữ liên hệ thường xuyên với trung tâm y tế thông qua thiết bị công nghệ thông tin (chẳng hạn máy tính cá nhân).

Đã có nhiều kiểm chứng về tính ưu việt của telemedicine. Tại Mỹ có một nghiên cứu tiến hành trên 20 bệnh nhân được bác sĩ đồng thời khám trực tiếp và áp dụng telemedicine. Kết quả cho thấy, thời gian trung bình để hội chẩn của bác sĩ ở xa chậm hơn 25%, nhưng đánh giá về chất lượng đều giống nhau.

Telemedicine - chuẩn hóa nghiêm ngặt

Để có thể can thiệp từ xa, chẩn đoán, ra quyết định về một ca bệnh phải có đầy đủ thông tin về ca bệnh. Những thông tin này phải tin cậy, đầy đủ và kịp thời. Muốn đạt được những yếu tố đó, telemedicine đòi hỏi phải chuẩn hóa rất nghiêm ngặt.

Hoa Kỳ sử dụng chuẩn EDI cho y tế (EDI - Electronic Data Interchange). Một chuẩn khá phổ biến là chuẩn DICOM (Digital Imaging and Communication in Medicine - Hình ảnh và truyền tải số trong y học) dùng cho chẩn đoán hình ảnh. Chuẩn này được dùng trong mạng PACS, hệ thống lưu trữ.

Ủy ban châu Âu về tiêu chuẩn hóa (Comitee European de Nomlalisation) CEN đã công bố trên các văn bản chính thống quy định về tiêu chuẩn mạng máy tính trong ứng dụng y học tương thích với chuẩn EDI của Hoa Kỳ.

Chuẩn HL 7 dùng trong tin học y tế, dùng để xác lập cơ sở dữ liệu bệnh nhân, kết quả thăm khám lâm sàng, nhập - chuyển - ra viện, kết quả xét nghiệm, dùng thuốc... HL 7 có tới 450 tổ chức thành viên và chiếm tới 65% lượng thông tin trong bệnh viện.

Các nhân viên trong lĩnh vực telemedicine (Medical Informatics) được khẳng định là một nghề riêng biệt. Họ được đào tạo liên ngành, cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Với các nước đang phát triển, chưa hình thành được đội ngũ chuyên nghiệp, thường lệch về đơn ngành như thuần túy y học hoặc chuyên tin học, do việc đào tạo nhân lực chưa được lưu ý đúng mức.

Phát triển như vũ bão

Hoa Kỳ có mạng Metropolitan Area Network là mạng y tế thống nhất toàn quốc, có sự tham gia của các bệnh viện, phòng mạch tư và phòng khám, labo, công ty dược, công ty cung cấp thiết bị y tế, cơ sở nghiên cứu và đào tạo (R&D), bảo hiểm y tế.

Ủy ban châu Âu (EC) có chương trình E-Health với yêu cầu 33 nước thành viên sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trên toàn châu Âu.

Kế hoạch này sẽ cung cấp các giải pháp nhằm chống lại đại dịch (HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao), đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn với người cao tuổi và sự mong đợi ngày càng cao của người bệnh đối với các dịch vụ thông tin y học, chăm sóc sức khỏe do internet mang lại, cũng như đối với sức ép gia tăng ngân sách về y tế do các yêu cầu trên. Telemedicine sẽ trở thành trục xương sống cho sự phát triển và tái tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe trong thế kỷ XXI.

Cho đến 2010, EU dự kiến dành khoảng 5% ngân sách y tế để đầu tư phát triển các hệ thống và dịch vụ “Y tế trên mạng”. Các nước thành viên EU phải lập chiến lược “Y tế trên mạng” quốc gia và khu vực để bảo đảm đến cuối thập niên này, các bác sĩ, bệnh nhân và công dân toàn châu Âu đều sử dụng thông thạo và thường xuyên dịch vụ “Y tế trên mạng”.

Nhật Bản đã có 155 hệ telemedicine, trong đó có 68 hệ teleradiology, 26 hệ telepathology, 23 hệ chẩn đoán hình ảnh, 20 hệ chăm sóc từ xa (Home health), 6 hệ telemedicine trong nhãn khoa, 3 hệ trong nha khoa và 9 hệ khác.

Trung Quốc đã nghiên cứu triển khai hàng loạt giải phát nhằm tổ chức các mạng cục bộ quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền ảnh động (PACS), dịch vụ y tế gia đình qua mạng (Telehome Health Care),... tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật cao trong công tác y tế, đặc biệt là telemedicine trong tương lai.

Một dạng “phòng cấp cứu ảo” trên mạng cũng được thiết đặt, nhằm thu nhận bệnh nhân. Số bệnh nhân được sử dụng dịch vụ telemedicine này sẽ tăng lên nhiều, thông qua e-mail và dịch vụ internet.

Trong 5 năm qua, các bệnh viện miền nam Ấn Độ đã điều trị 1.700 người bệnh bằng kỹ thuật telemedicine. Thông qua máy thu hình, bác sĩ ở cách xa hàng trăm km có thể đọc phim Xquang của bệnh nhân ở vùng hẻo lánh để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Nếu tìm kiếm từ khóa telemedicine trên internet bằng trình duyệt yahoo, sẽ cho một kết quả hơn 7 triệu đề mục và tài liệu liên quan. Điều này cho thấy sự phát triển rộng rãi của telemedicine trên thế giới. Tại Việt Nam, telemedicine đã và đang được triển khai.

Telmedicine tại Việt Nam: Thành công và những khó khăn

Năm 2004, một hội thảo quốc tế về khám và điều trị từ xa được tổ chức tại Công viên phần mềm Quang Trung. Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. Các chuyên gia Việt Nam và Mỹ đã thảo luận và trao đổi nhiều ý kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển telemedicine trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Giới thiệu về công nghệ thông tin trong y tế y học, kinh nghiệm của các nước tiên tiến, các nước trong khu vực về lĩnh vực này, bao gồm chăm sóc sức khỏe từ xa (telemedicine), lưu trữ và truyền ảnh động cho chẩn đoán hình ảnh (PACS), hội chẩn từ xa, tele home healthcare,... thông tin về các hệ thống quản lý thông tin bệnh viện bằng máy tính và mạng HIS (Hospital Information System).

chan-doan-tu-xaĐến nay, telemedicine đã có những bước phát triển mới. Telemedicine đã được ứng dụng trong dự án “Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức” đã được Nhà nước và Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2003 đến năm 2007. Dự án bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Việt Đức gồm 6 bệnh viện là Việt Tiệp (Hải Phòng), Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa nhằm cấp cứu người bệnh kịp thời, giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay của Bệnh viện Việt Đức.

Ngày 5/5/2005, qua cầu truyền hình trực tiếp, Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) đã trực tiếp thực hiện thành công một ca phẫu thuật dưới sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Giải pháp kỹ thuật telemedicine cho cầu truyền hình này dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng mạng và truyền dẫn của VNPT. VNPT cũng sử dụng các phương thức truyền dẫn khác nhau, như phương thức truyền dẫn cáp quang để kết nối trực tiếp giữa thiết bị mổ nội soi hoặc camera quay từ phòng mổ của các bệnh viện vệ tinh đến trung tâm tư vấn phẫu thuật.

Bằng telemedicine, việc chẩn đoán và điều trị với ý kiến của các chuyên gia đầu ngành giữa bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tỉnh, khu vực sẽ tiết kiệm thời gian cho cấp cứu bệnh nhân. Tạo cơ hội cho nhân viên y tế địa phương nâng cao năng lực chuyên môn. Đối với các bệnh viện tuyến trung ương, đây là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm tải bệnh nhân.

Ngày 27/2/2006, các chuyên gia của Viện tim mạch Việt Nam đã thực hiện cầu truyền hình trực tuyến với Singapore trong cuộc phẫu thuật can thiệp tim mạch.

Về mặt kỹ thuật, cầu truyền hình được kết nối quốc tế thông qua kênh vệ tinh của Công ty viễn thông quốc tế VTI. Một chuyên gia kỹ thuật của VTI cho biết, phương án kỹ thuật để bảo đảm thành công 100% cho buổi truyền hình trực tuyến được xây dựng rất kỹ lưỡng: kênh vệ tinh tốc độ cao, tiêu chuẩn dự phòng 1+1 (1 thiết bị sử dụng kèm 1 thiết bị dự phòng), chuẩn truyền thông bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ Quốc phòng có Dự án “Y học từ xa” đang triển khai tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) và Quân y viện 175 (TP. Hồ Chí Minh). Tại mỗi bệnh viện đều thiết lập một mạng LAN kết nối 2 máy chẩn đoán hình ảnh chủ yếu là CT và siêu âm. Dùng 3 máy tính bình thường làm 3 trạm làm việc: 1 ở máy CT, 1 ở máy siêu âm và 1 ở phòng giao ban.

Các trạm làm việc vừa bảo đảm xem hình, vừa thực hiện chức năng hậu xử lý (postprocessing). Hình ảnh chuyển trên mạng theo chuẩn DICOM, nghi thức TCP/IP. Thông qua một máy chủ truyền thông, toàn bộ hình ảnh cần thiết cho chẩn đoán có thể truyền từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vào Quân y viện 175 và ngược lại.

Nhiều đơn vị, công ty của Việt Nam đang xây dựng các sản phẩm phần mềm trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Các kỹ sư phát triển phần mềm SaigonTech đang trong quá trình hoàn tất Hệ thống thông tin và lưu trữ hình ảnh PACS (Picture Archiving and Commumication System). Hệ thống PACS đã được xây dựng trên kiến trúc 3 lớp (Web, xử lý, dữ liệu), với các thành phần mạng, thử nghiệm và phát triển. Ngoài ra SaigonTech đang trong giai đoạn thiết kế Bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR) cho giải pháp bệnh viện điện tử (Hệ thống thông tin bệnh viện - HIS, Hệ thống thông tin Xquang - RIS, Hệ thống thông tin dược phẩm - PhIS, v.v...).

chan-doan-tu-xaNhững thành công của việc ứng dụng telemedicine tại Việt Nam mới chỉ là bước đầu. Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn. Trước hết hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam còn thấp và chưa đồng bộ.

Hiện chỉ có 34% đơn vị trong ngành y tế có mạng cục bộ LAN, 27% đơn vị có máy chủ và chỉ có 1/3 trong số đó là máy chủ đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các đơn vị đều thiếu máy trạm và thiết bị ngoại vi.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ CNTT chuyên ngành y tế là tự đào tạo. Việc thu hút cán bộ thông tin cho ngành y tế cũng gặp không ít khó khăn vì chưa có khoản chi riêng cho công nghệ thông tin trong mục lục ngân sách Nhà nước. Hiện chúng ta chưa có tiêu chuẩn thống nhất về quản lý và tiêu chuẩn kỹ thuật về CNTT và truyền thông trong lĩnh vực y tế.

Chính sách trong tương lai

Đảng và Nhà nước có Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về Đề án 112 của Chính phủ về tin học hóa Quản lý hành chính Nhà nước từ năm 2001. Dự thảo Luật CNTT đã được trình lên Ban Thường vụ Quốc hội xem xét và sẽ được Quốc hội biểu quyết vào tháng 6 tới. Đây sẽ là nền tảng pháp lý cơ bản để dựa trên đó xây dựng hành lang pháp lý cho tin học và truyền thông của ngành y tế.

Theo ông Nguyễn Huy An (Trưởng phòng CNTT - Bộ Y tế), hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng đề án mô hình phát triển CNTT cho ngành y tế giai đoạn 2006-2015. Đề án này khẳng định CNTT và truyền thông là công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, rút ngắn khoảng cách để từng bước theo kịp trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới. Ứng dụng rộng rãi CNTT trong các lĩnh vực của ngành y tế nhằm bảo đảm hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời từ Bộ Y tế đến các bộ, ban ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh thành.

Người dân có thể tìm kiếm thông tin liên quan đến lĩnh vực y tế một cách nhanh chóng thuận tiện. Dịch vụ khai báo, đăng ký, cấp phép được thực hiện trực tuyến qua hệ thống thông tin của Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh. 80% cơ quan quản lý nhà nước về y tế tại Trung ương và địa phương đạt tiêu chuẩn ISO 9000 về quản lý hành chính, lấy mũi nhọn là CNTT.

Mặt khác, phát triển phần mềm chuyên dụng, cơ sở dữ liệu cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế để tiến tới cổng giao tiếp điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và khám chữa bệnh giai đoạn 2006-2007. Phát triển cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế, khoa học, đào tạo, y học cổ truyền vào năm 2006-2008 và các cơ sở dữ liệu khác trong những năm tiếp theo. Ban hành chính sách khuyến khích việc ứng dụng CNTT, tập trung đầu tư cho một số dự án trọng điểm có tính đột phá.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CNTT, hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển và ứng dụng CNTT. Tăng cường hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ chuyên sâu về CNTT trong ngành y tế.

(Theo suckhoedoisong.vn)

Facebook a Comment