Trang chủ / Tin tức / Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

26/11/2012 10:49     22,600      26,548     

Ngày  04  tháng  12 năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 4776/QĐ-BYT, kèm theo Quyết định này là  "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị hen phế quản" với các nội dung:- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen người lớn.- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen trẻ em.- Phụ lục.

 

I. Đại cương

1.1. Định nghĩa Hen:

Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngựcho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.

1.2. Hen - vấn đề sức khỏe toàn cầu:

Hen là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới và ở nước ta, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong còn cao. Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 400 triệu. Tỉ lệ mắc hen tăng nhanh chóng ở nhiều nước từ năm 1980, trung bình 10-12% trẻ dưới 15 tuổi, 6-8% người lớn. Việt Nam chưa có số liệu điều tra toàn quốc, ước tính khoảng 5%.

Hen là một bệnh rất nguy hiểm với nhiều hậu quả nghiêm trọng:

Tử vong do hen cũng tăng rõ rệt ở nhiều nước. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trường hợp tử vong do hen, điều quan trọng hơn là 85% những trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Hen làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống (nghỉ học, nghỉ việc, giảm năng suất lao động, tàn phế, chết sớm). Hen gây ra gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội.

 

II. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ 

2.1. Những yếu tố chủ thể của người bệnh:

- Yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng, với những gen liên quan đến sự hình thành IgE, các chất trung gian hóa học, sự gia tăng đáp ứng đường thở và yếu tố quyết định tỷ lệ giữa đáp ứng miễn dịch Th1 và Th2.

- Béo phì, suy dinh dưỡng, đẻ non là yếu tố nguy cơ mắc hen.

- Giới tính: Trẻ nam có nguy cơ mắc hen nhiều hơn trẻ nữ, nhưng ở người lớn thì nữ giới lại mắc hen nhiều hơn ở nam giới.

2.2. Những yếu tố môi trường:

- Dị nguyên trong nhà: mạt bụi nhà, lông thú (chó, mèo, chuột...), gián, nấm, mốc, thuốc men, hóa chất, v.v...

- Dị nguyên ngoài nhà: bụi đường phố, phấn hoa, nấm mốc, các hóa chất, chất lên men, yếu tố nhiễm trùng (chủ yếu là virus), hương khói các loại.

- Nhiễm trùng: chủ yếu là nhiễm virus

- Các yếu tố nghề nghiệp: than, bụi bông, hoá chất, v.v...

- Thuốc lá: Hút thuốc chủ động và bị động.

- Ô nhiễm môi trường không khí: khí thải của phuơng tiện giao thông, các loại khí ô nhiễm, hoá chất, v.v..

2.3. Những yếu tố nguy cơ kích phát cơn hen

- Tiếp xúc với các dị nguyên

- Thay đổi thời tiết, khí hậu, không khí lạnh.

- Vận động quá sức, gắng sức

- Một số mùi vị đặc biệt, hương khói các loại (đặc biệt khói thuốc lá).

- Cảm xúc mạnh, v.v…

Chi tiết nội dung quyết định, hướng dẫn, ... tải ở đây

Facebook a Comment