Trang chủ / Giới thiệu / Khoa Cấp Cứu

Khoa Cấp Cứu

Khoa Cấp cứu tiền thân là Phòng Cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai. Đến năm 2006, cùng với sự ra đời của Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực được thành lập. Đến tháng 9 năm 2012, Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực được tách thành 2 khoa: Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong giai đoạn 1975 — 2006, nhiều bệnh dịch truyền nhiễm cấp cứu nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao như: uốn ván, bạch hầu, viêm não, bại liệt... cùng với Phòng Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai song hành trong lĩnh vực cấp cứu, Phòng Cấp cứu Khoa Truyền nhiễm đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. Ngoài ra, Khoa đã tiến hành cấp cứu và khống chế thành công nhiều dịch bệnh Truyền nhiễm nguy hiểm như dịch SARS (2003), dịch cúm, dịch não mô cầu... Từ năm 2012 đến nay: Khoa Cấp cứu ngày càng được tăng cường số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, máy, trang thiết bị. Hiện nay Khoa có 44 cán bộ, nhân viên, bao gồm: Tiến sĩ: 04, Thạc sĩ: 05, cử nhân đại học: 05. Hiện tại Khoa có địa điểm làm việc tại tầng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 78 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 04 6278 2037 và tầng 1 cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội Trưởng Khoa: Ths: Nguyễn Trung Cấp; Phó trưởng Khoa: Ths: Thân Mạnh Hùng; Phó Trưởng Khoa: Tth.s: Trần Văn Bắc

Khoa có nhiệm vụ: Tổ chức đón tiếp và xử lý cấp cứu các bệnh nhân nặng thuộc chuyên ngành Truyền nhiễm; Tổ chức cách ly, sàng lọc, phát hiện sớm những dịch bệnh mới nổi, tái nổi. Phát hiện những ca chỉ điểm vụ dịch; Điều trị hồi sức tích cực và chăm sóc toàn diện cho những bệnh nhân cần cách ly đặc biệt, những bệnh nhân nặng thuộc chuyên ngành Truyền nhiễm; Điều trị những bệnh nhân lệ thuộc cao, chức năng sống chưa ổn định nhưng cũng chưa đến mức phải hồi sức tích cực. Khoa đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao: Thở máy thường quy và nâng cao, lọc máu liên tục, lọc thay thế huyết tương, lọc MARS, dẫn lưu não thất cấp cứu, kĩ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… và đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân nặng, phức tạp, góp phần khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm (SARS; cúm A H5N1, H1N1; dịch tả, liên cầu lợn…).

Với những thành tích đã đạt được, tập thể Khoa và cá nhân cán bộ, nhân viên của Khoa đã được nhận nhiều hình thức khen thưởng của Nhà nước, Bộ Y tế và các cơ quan đơn vị Khoa cùng phối hợp trong công tác thời gian qua. Trong đó nổi bật năm 2008, Khoa Cấp cứu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen số 1740 QĐ/TTg vì đã có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm năm 2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, cán bộ, nhân viên Khoa Cấp cứu đoàn kết, phấn đấu giữ vững là đơn vị hàng đầu trong cấp cứu các bệnh Truyền nhiễm nguy hiểm, đáp ứng bệnh dịch khẩn cấp trong bối cảnh các bệnh dịch mới nổi, tái nổi diễn biến ngày càng phức tạp. Cùng với sự phát triển của Bệnh viện, Khoa phấn đấu sẽ là một đơn vị cấp cứu đa khoa mang tầm vóc khu vực, với mũi nhọn là các bệnh Truyền nhiễm cấp cứu nguy hiểm. Triển khai áp dụng những kĩ thuật tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực cấp cứu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đồng thời hoàn thiện các quy trình ISO trong cấp cứu, khám và điều trị bệnh, xây dựng Khoa là một đơn vị có dịch vụ hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân cũng như của xã hội với phương châm hoạt động “Thêm nỗ lực — Thêm sự sống” (The more effort, The more life)

CÁC BÀI GIỚI THIỆU KHÁC