Một nghiên cứu tại Thụy Điển đăng trên tạp chí The BMJ cho rằng mắc COVID-19 tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, nhồi máu phổi và xuất huyết. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Anne-Marie Fors Connolly tại khoa Vi sinh lâm sàng của đại học Uma, Thụy Điển.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu quốc gia của Thụy Điển, gồm hơn 1 triệu người từng được xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút SARS-CoV2 (vi rút gây bệnh COVID-19) và nhóm đối chứng gồm hơn 4 triệu người chưa từng bị dương tính với SARS-CoV2 (2 nhóm tương đồng về tuổi, giới, nơi cư trú) trong thời gian từ 1/2/2020 đến 25/5/2021. Kết quả phân tích cho thấy tới tận 3 tháng sau mắc COVID, nhóm từng có xét nghiệm COVID dương tính có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn 5 lần, nguy cơ nhồi máu phổi cao hơn 33 lần trong 6 tháng sau mắc COVID, và nguy cơ chảy máu tăng lên gấp đôi trong vòng 30 ngày sau mắc COVID.
Huyết khối tĩnh mạch sâu gặp 0,04% ở nhóm từng bị COVID và 0,01% ở nhóm chưa bị COVID. Nhồi máu phổi gặp ở 0,17% bệnh nhân COVID và 0,004% ở nhóm chưa bị COVID. Tình trạng xuất huyết gặp ở 0,10% ở nhóm COVID so với 0,04% ở nhóm đối chứng.
Nguy cơ huyết khối và chảy máu tăng lên ở các bệnh nhân từng bị COVID mức độ nặng, và ở những người có nhiều bệnh nền. Những người bị mắc COVID trong làn sóng đầu tiên cũng có tỷ lệ biến chứng tắc mạch và xuất huyết cao hơn so với những người mắc COVID-19 trong làn sóng thứ 2 và thứ 3. Điều đó được giải thích do vai trò của điều trị và tỷ lệ phủ vắc xin cao hơn sau khi làn sóng thứ nhất.
Ngay cả bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ, nguy cơ bị tắc mạch phổi, và huyết khối tĩnh mạch sâu cũng cao hơn.
Mặc dù nhiều quốc gia đã tiến đến gỡ bỏ các hạn chế trong đại dịch COVID-19 và chuyển đổi sang sống chung với COVID-19, nghiên cứu này cũng nhắc nhở rằng chúng ta vẫn cần theo dõi các biến chứng lâu dài của COVID-19, ngay cả với các trường hợp nhẹ, bao gồm cả các biến chứng huyết khôi-tắc mạch.
Nguồn: BMJ, news release, April 6, 2022