Bệnh thuỷ đậu do virut Varicella Zoster gây nên,thường xẩy ra vào mùa đông xuân và đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi.
Bệnh dễ lây lan trong cộng đồng
-Virút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em.
-Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như: bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai
Bệnh biểu hiện với các triệu chứng sau
- Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo động…
-Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.
Biến chứng của bệnh
Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như : viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.
Một biến chứng muộn thường gặp của thủy đậu là bệnh Zona hay còn gọi là bệnh dời leo, là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh thuỷ đậu (trái rạ). Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt...
Chăm sóc trẻ bị thuỷ đậu
Vì là bệnh lây lan nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.
Lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
Phòng bệnh hiệu quả bằng tiêm vắc xin
Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Hiện tại bệnh thuỷ đậu đang có xu hướng gia tăng và có thể lây lan thành dịch vì vậy các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chủng ngừa kịp thời trước khi trẻ bị lây nhiễm bệnh từ bên ngoài. Cách phòng bệnh (thủy đậu nói riêng và các bệnh có vắc-xin phòng ngừa nói chung), tốt nhất là các bậc phụ huynh nên cho trẻ chủng ngừa bệnh thường quy theo hướng dẫn của bác sĩ.
BS. Nguyễn Thị Thu Trang - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương