Báo cáo của Bộ Y tế - Việt Nam phối hợp với Dự án hợp tác toàn cầu về kháng sinh GARP-Việt Nam và đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford.
Tình trạng các kháng sinh bị kháng ít được báo cáo tại các nước đang phát triển và nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn vẫn chưa được làm sáng tỏ do công tác giám sát vi khuẩn kháng thuốc ít được thực hiện. Tại Việt Nam, 10 năm sau khi chương trình giám sát kháng thuốc kháng sinh do Tổ chức SIDA Thụy Điển kết thúcvào năm 2005, do thiếu nguồn tài trợ, chương trình giám sát quốc gia về kháng kháng sinh vẫn chưa được tái lập. Sử dụng kháng sinh là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phát triển và gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh, do đó cần phải giám sát đồng thời việc sử dụng kháng sinh và tình trạng kháng kháng sinh cũng như thông báo cho các đối tượng liên quan trong lĩnh vực y tế, khoa học và các nhà hoạch định chính sách.GARP là một dự án mới của Tổ Chức Các Nguồn Lực Cho Tương Lai (RFF), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thực hiện các nghiên cứu độc lập. Chương trình nhằm hướng tới giải quyết các thách thức của tình trạng kháng kháng sinh bằng cách xây dựng các đề xuất chính sách hành động tại 5 nước có thu nhập thấp và trung bình như: Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Nam Mỹ và Việt Nam.GARP-Việt Nam và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đã phối hợp với Bộ Y tế nhằm xây dựng một chương trình giám sát đồng thời việc sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh trong hệ thống bệnh viện. Nghiên cứu tiến hành thu thập số liệu mua kháng sinh và kháng kháng kháng sinh của 15 bệnh viện từ năm 2008-2009. Nghiên cứu phân tích số liệu kháng kháng sinh từ vi khuẩn phân lập được trong các loại bệnh phẩm sau: máu, dịch não tủy, nước tiểu, đờm, mủ. Mức độ sử dụng kháng sinh được đánh giá dựa trên số liệu mua kháng sinh của các khoa dược bệnh viện và số liệu về qui mô giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh, từ đó tính tác dụng trung bình ngày trên 100 ngày giường (DDD/100 ngày giường).