Trang chủ / Chuyên đề / SUÝT MẤT MẠNG VÌ THOÁT VỊ BẸN NGHẸT

SUÝT MẤT MẠNG VÌ THOÁT VỊ BẸN NGHẸT

18/11/2024 13:58          34     

Trước 1 ngày nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông N.V.D, 79 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội xuất hiện tình tình trạng đau nhói và có khối phình to vùng bẹn bìu phải với kích thước 5x7cm. Nghĩ không ảnh hưởng nhiều, ông D mua thuốc giảm đau uống. Nhưng đến sáng ngày hôm sau, các cơn đau chói tăng dần, không thể chịu được, cùng với kích thước khối phình vùng bẹn bìu không thay đổi, ấn đau vùng cổ thoát vị, không đẩy lên được, ông D mới nhập viện với chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt, cần tiến hành mổ cấp cứu để cứu quai ruột, không để lâu gây hoại tử ruột.

Bệnh nhân được chuyển ngay lên phòng mổ của Khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học.  Các bác sỹ phải chạy đua từng phút để cấp cứu cho bệnh nhân. Hơn 1 giờ, bệnh nhân được phẫu thuật thành công nhưng một phần quai ruột đoạn hồi tràng đã bị hoại tử  phải cắt bỏ vì nhập viện quá muộn.  Hiện sức khỏe ông D đã ổn định.
Bác sĩ Bùi Thanh Tuế, Khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học cho biết: “Đối với bệnh nhân mới bị hoại tử, tình trạng nhiễm độc không nặng, chỉ cần phẫu thuật cắt đoạn ruột hoại tử và theo dõi tình trạng xì rò miệng nối sau phẫu thuật. Bệnh nhân nhịn ăn và được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau khoảng 10 ngày không có dấu hiệu bất thường, sức khỏe ổn định, bệnh nhân sẽ được ra viện”.


 “Bệnh lý thoát vị bẹn là loại hay gặp nhất trong các loại thoát vị thành bụng, thể hiện tình trạng một tạng ổ bụng rời khỏi vị trí và chui qua ống bẹn xuống bìu. Người bệnh thường có cảm giác tức nặng vùng bẹn bìu. Một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Vùng bìu càng to hơn khi người bệnh đi lại, chạy nhảy, làm việc nặng, gắng sức; giảm hoặc mất hẳn khi người bệnh nằm nghỉ. Thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị bẹn khi các tạng trong túi thoát vị bị nghẹt do cổ bao thoát vị giống như một dây garo thít chặt vào tạng thoát vị gây thiếu máu nuôi dưỡng và dẫn đến hoại tử tạng thoát vị. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu đến quá muộn khi bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng từ vùng tạng hoại tử sản sinh ra”. Bác sĩ Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học diễn giải.

Theo Bác sỹ Trần Thượng Việt: Bệnh lý thoát vị bẹn chia thành 2 loại: bẩm sinh và mắc phải thường xảy ra ở những đối tượng là nam giới. Thoát vị bẩm sinh do còn ống phúc tinh mạc thời kỳ bào thai và tạng thoát vị chui qua ống phúc tinh mạc xuống bìu, loại này hay gặp ở trẻ nhỏ, thoát vị bẹn mắc phải hay gặp ở nam giới cao tuổi, do thành bụng yếu và áp lực trong ổ bụng cao, tạng thoát vị thúc trực tiếp qua thành bụng, hay gặp ở người già có bệnh lý tăng áp lực ổ bụng thường xuyên, liên tục như: u phì đại tuyến tiền liệt, đái khó, bệnh nhân xơ gan cổ chướng, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.. Tuy nhiên người trẻ cũng có thể mắc phải khi hoạt động nặng, gắng sức. 
Thoát vị bẹn là bệnh lý chỉ có thể điều trị đơn giản và triệt để bằng phẫu thuật khi được phát hiện và xử lý sớm, tuy nhiên nếu để biến chứng thoát vị nghẹt đến muộn thì có nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ tạng thoát vị, cá biệt có những trường hợp đến quá muộn khi bệnh nhân đã có tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc do các chất độc từ tạng thoát vị quay trở lại tuần hoàn có thể gây sốc nhiễm trùng nhiễm độc và có thể tử vong nếu không được hồi sức tốt.
“Với những người có tiền sử mắc bệnh tuyến tiền liệt cần phải đi kiểm tra thường xuyên và tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt khi có chỉ định, tránh các biến chứng liên quan đến bàng quang, bệnh lý toàn thân khác như thoát vị bẹn nghẹt. Khi có chỉ định phẫu thuật sớm chỉ cần tiến hành phẫu thuật nội soi, thời gian phẫu thuật ngắn, vết mổ nhỏ, khả năng hồi phục nhanh, người bệnh có thể ăn uống trở lại bình thường ngay sau ngày phẫu thuật.”: Bác sĩ Trần Thượng Việt khuyến cáo.

Facebook a Comment