Trang chủ / Chuyên đề / SỎI THẬN, SỎI NIỆU QUẢN

SỎI THẬN, SỎI NIỆU QUẢN

30/08/2023 10:25          6,188     

Sỏi thận, niệu quản là kết quả của kết tụ các tinh thể trong nước tiểu. Sỏi thường hình thành từ thận, di chuyển xuống niệu quản và mắc kẹt tại đây, gây tắc nghẽn lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

  1. Bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản là gì?

Sỏi thận, niệu quản là kết quả của kết tụ các tinh thể trong nước tiểu. Sỏi thường hình thành từ thận, di chuyển xuống niệu quản và mắc kẹt tại đây, gây tắc nghẽn lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

  1. Nguyên nhân, đối tượng hay mắc bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản?
  • Sỏi được hình thành từ các loại tinh thể như sỏi acid uric, sỏi calci oxalate, sỏi struvite, sỏi cystine. Những tinh thể này tạo ra do thừa chất như acid uric, oxalate… hoặc do bệnh rối loạn chuyển hóa các chất calci, cystine…hoặc do nhiễm khuẩn tiết niệu dưới kéo dài.
  • Đối tượng mắc bệnh: người có tiền sử bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, có tiền sử sỏi thận; chế độ ăn uống: ít uống nước, ăn quá nhiều muối, nhiều đạm động vật; béo phì, bệnh gút, nhiễm trùng đường tiểu tái phát, cường tuyến cận giáp, uống một số loại thuốc kéo dài (thuốc lợi tiểu, corticoid, thuốc chống động kinh…).
  1. Biểu hiện bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản như thế nào?
  • Biểu hiện tại đường tiết niệu: đau vùng hố thắt lưng bên có sỏi, đau lan dọc xuống vùng bộ phận sinh dục ngoài, cơn đau âm ỉ hoặc đột ngột dữ dội nếu sỏi di chuyển xuống bị kẹt lại. Người bệnh sẽ bị tiểu buốt, tiểu rắt, thậm chí tiểu ra máu, tiểu ra mủ.
  • Biểu hiện toàn thân khi xuất hiện các biến chứng:

+ Ứ nước thận gây giãn đài bể thận: sỏi kẹt ở niệu quản khiến nước tiểu không thể lưu thông. Nếu BN cố chịu đựng kéo dài, thận bên đó sẽ suy giảm chức năng dần và có thể suy thận không hồi phục, mất chức năng hoàn toàn.

+ Viêm mủ bể thận: ứ nước thận khiến vi khuẩn di chuyển ngược dòng lên gây viêm nhiễm bể thận, niệu quản. Từ đó vi khuẩn có thể phát tán vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng với biểu hiện sốt rét run, tụt huyết áp, li bì với tỷ lệ tử vong cao.

+ Suy thận cấp và suy thận mạn: thận ứ nước sẽ không bài tiết nước tiểu, gây suy chức năng thận cấp, nếu chịu đựng kéo dài sẽ gây suy thận mạn, mất chức năng hoàn toàn thận đó và có thể phải cắt thận mất chức năng.

  1. Điều trị bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản như thế nào?
  • Nếu sỏi nhỏ, chưa biến chứng: có thể điều trị thuốc giảm đau, giãn cơ trơn để viên sỏi có khả năng tự rơi xuống ra ngoài.
  • Nếu sỏi lớn, cần phẫu thuật tán sỏi. Tùy vị trí, đặc điểm viên sỏi ở thận hay các đoạn niệu quản mà sẽ có phương pháp phẫu thuật riêng.
  • Nếu bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn huyết, ứ mủ thận, sốc nhiễm khuẩn: cần dùng kháng sinh sớm, hồi sức cấp cứu nội khoa để ổn định tình trạng, dẫn lưu mủ bể thận tạm thời. Nhiều thủ thuật nội khoa có thể cần can thiệp như thở máy, lọc máu, đặt ống thông.
  1. Tiên lượng: sỏi nhỏ, không biến chứng phần lớn tiên lượng tốt. Tuy nhiên có thể rất nặng, tử vong cao nếu biến chứng sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân nhiều bệnh lý nền.

Bác sĩ Nội trú Nguyễn Đức Minh

Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

 

Facebook a Comment