Trang chủ / Chuyên đề / BỆNH NHÂN NHI ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC DO MẮC SỞI

BỆNH NHÂN NHI ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC DO MẮC SỞI

08/01/2025 14:48          149     

Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh sởi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 1 tuổi .

Trường hợp 1: Bé L.T.C (8 tháng tuổi, Hà Giang): nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, kèm theo ho nhiều, nôn và tiêu chảy. Trước đó, gia đình nghĩ bé bị viêm họng thông thường nên đã đưa đến cơ sở  y tế để khám và điều trị. (Bé được điều trị bằng thuốc tiêm nhưng không thuyên giảm. Sau 3 ngày, bé sốt cao liên tục và bắt đầu xuất hiện ban đỏ từ mặt lan xuống toàn thân). Bé đã được điều trị nhưng tình trạng bệnh không đỡ, sau 3 ngày trẻ xuất hiện sốt cao liên tục, bắt đầu mọc ban đỏ từ mặt lan xuống thân mình và tay chân.

Do bệnh không cải thiện, gia đình cho bé đến Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương để điều trị. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc bệnh sởi, với các triệu chứng lâm sàng điển hình như sốt cao, chảy gỉ mắt, ho, tiêu chảy và phát ban.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị tích cực, hiện ban sởi của bé bắt đầu bay, nhiệt độ cơ thể được kiểm soát, và tình trạng dần ổn định. Dù vậy, bé vẫn cần được theo dõi để phòng ngừa biến chứng như viêm phổi hoặc suy dinh dưỡng.

Trường hợp 2: Bé N.T.Q (5 tháng tuổi, Bắc Giang) là một trong những ca bệnh nặng nhất tại khoa. Ban đầu, bé bị sốt cao 39,5°C, ho khan, ngạt mũi, mắt nhiều gỉ và tiêu chảy 3-4 lần mỗi ngày. Sau hai ngày sốt, bé bắt đầu phát ban đỏ từ mặt, cổ và lan ra thân mình, một dấu hiệu điển hình của bệnh sởi. Ban sởi hiện đã lan đến hai đùi, và bé được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm phổi.

Trước khi chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tình trạng suy hô hấp của bé trở nên nghiêm trọng, buộc phải đặt nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ. Khi nhập viện, bé có ban sởi toàn thân, phù nề mi mắt, xuất huyết tại các vị trí tiêm truyền. Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), một biến chứng nặng của sởi.

ARDS đã gây tổn thương nặng đến phổi, khiến đội ngũ bác sĩ phải áp dụng nhiều biện pháp hồi sức đặc biệt để duy trì sự sống cho bé.

Sau 5 ngày điều trị, bé đã có tiến triển: ban sởi bắt đầu bay, sốt giảm, nhưng tổn thương phổi vẫn còn nghiêm trọng. Bé tiếp tục được thở máy và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo phục hồi hoàn toàn.

“Trường hợp của bé N.T.Q là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Biến chứng ARDS có thể dẫn đến tử vong nếu không có can thiệp y tế tích cực,” ThS.BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ.

“Bệnh sởi thường diễn tiến qua ba giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các triệu chứng tương tự cảm cúm như sốt, ho, ngạt mũi, mắt đỏ, viêm long và tiêu chảy. Đây là giai đoạn dễ lây lan nhưng khó nhận biết do chưa xuất hiện ban sởi. Tiếp theo, giai đoạn phát ban được đặc trưng bởi các nốt ban đỏ xuất hiện từ sau chân tóc, lan xuống mặt, cổ, thân mình và các chi. Trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi trong giai đoạn này. Cuối cùng là giai đoạn ban bay, khi các ban mờ dần, để lại các vết loang lổ trên da trước khi trẻ hồi phục hoàn toàn….” ThS.BS Lê Thị Thu Hiền cho biết.

Để ngăn chặn nguy cơ từ bệnh sởi, các ThS.BS Lê Thị Thu Hiền khuyến cáo : Phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ hai mũi vắc xin sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia. Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc phát ban, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đồng thời, cách ly bệnh nhân sởi, vệ sinh môi trường sống và rửa tay thường xuyên là các biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Facebook a Comment