Trang chủ / Chuyên đề / VIÊM GAN B - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

VIÊM GAN B - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

26/04/2022 14:51     5      102,513     

Viêm Gan B là gì, vì sao tôi bị Viêm gan B, cách phòng tránh thế nào, chuyện gì sẽ xẩy ra khi tôi bị Viêm Gan B, viêm gan B tôi có thể lập gia đình và sinh con không...đó là một trong rất nhiều câu hỏi được gửi đến Fanpage Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong thời gian vừa qua. Để giúp người bệnh Viêm gan B hiểu đúng về bệnh và cách phòng tránh, BS.CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã giải đáp một số nội dung như sau:

 

1. Viêm gan vi rút B là bệnh gì?

        Viêm gan vi rút B là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan B gây ra, còn gọi là bệnh viêm gan B. Vi rút viêm gan B là vi rút có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan… và là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới thì năm 2017, tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B tại Việt nam là 8,1%.

        Bệnh viêm gan B khác với bệnh viêm gan A, viêm gan C, viêm gan E, và khác với bệnh HIV/AIDS.

2.Tại sao bạn lại bị viêm gan B?

Vi rút viêm gan B có mặt ở trong tất cả các dịch cơ thể nhưng nó chỉ lây lan qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không được bảo vệ, và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh.

Bạn có thể bị lây vi rút viêm gan B do:

  • Mẹ truyền viêm gan B cho con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai
  • Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
  • Dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy
  • Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhíp, dụng cụ cắt móng tay, móng chân (bấm móng tay..) với người bị viêm gan B
  • Xăm mày, xăm môi, xăm cơ thể, xỏ lỗ tai….
  • Quan hệ bằng miệng khi có vết thương, vết loét, viêm, nhiệt miệng
  • Có tiền sử truyền máu và các chế phẩm của máu
  • Tiếp xúc với máu của người nhiễm vi rút viêm gan B qua vết thương hở
  • Thủ thuật y tế: làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa….

Viêm gan vi rút B KHÔNG LÂY qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt.

Việc tìm hiểu vì sao bạn bị viêm gan B thật sự rất khó vì điều này đã xảy ra trong quá khứ. Điều quan trọng là bạn cần biết đường lây của viêm gan B để phòng tránh cho những người thân yêu trong gia đình, cho bạn bè và cộng đồng.

    3. Làm thế nào để bạn biết bản thân có bị viêm gan B hay không?

        Bạn có thể đến các cơ sở y tế địa phương gần nhà như bệnh viện huyện, bệnh viện quận, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm vaccine, bệnh viện tỉnh….. bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: làm xét nghiệm HBsAg để xác định xem bản thân có bị viêm gan B hay không

   Cách phòng tránh để không bị viêm gan B?

Tiêm phòng vắc xin viêm gan B: là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và an toàn

● Mọi em bé sinh ra trên đất nước Việt nam đều cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, sau đó tiêm các mũi còn lại theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

● Do tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B tại Việt nam là cao (năm 2017 ước tính là 8,1%), nên mọi người dân Việt nam cần đi kiểm tra tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B bằng xét nghiệm HBsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai :

- Nếu chưa bị nhiễm viêm gan B, bạn cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B đủ 3 mũi. Sau khi tiêm phòng, nếu bạn có đủ miễn dịch để bảo vệ cơ thể (anti-HBs > 10 IU/mL) thì sẽ không bị mắc viêm gan B trong tương lai.

- Nếu HBsAg dương tính, nghĩa là bạn đã mắc viêm gan B. Bạn cần đi khám kiểm tra tình trạng bệnh tại chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa gan mật định kỳ theo hẹn của bác sĩ.

- Nếu bạn là phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh em bé mà có xét nghiệm HBsAg dương tính, bạn cần đến chuyên khoa truyền nhiễm để được khám và tư vấn về các dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

   4. Chuyện gì xảy ra với bạn nếu bạn bị viêm gan vi rút B?

- Nếu bạn mới bị nhiễm vi rút viêm gan B dưới 6 tháng, được gọi là viêm gan B cấp. Nếu bạn nhiễm vi rút viêm gan B trên 6 tháng, được gọi là viêm gan B mạn

● Nếu bạn là người lớn ≥ 16 tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, khi bị viêm gan B cấp thì 95% cơ thể bạn có thể tự đào thải vi rút, sạch HBsAg ( có thể coi như là khỏi bệnh) và không bị viêm gan B mạn.

● Tuy nhiên, trẻ sơ sinh khi bị viêm gan B cấp, do hệ miễn dịch chưa trưởng thành nên chỉ có 5-10% có khả năng đào thải vi rút và sạch HBsAg. Hơn 90% trẻ sơ sinh sau khi nhiễm viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn.

- Trường hợp bạn mắc viêm gan B lâu hơn 6 tháng và trở thành viêm gan B mạn thì bạn cần quan tâm theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

● Bởi vì 30% người mắc viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan; 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan.

        Tại Việt Nam, hơn 60% người ung thư gan là có mắc viêm gan B

 ●Thông thường, người mắc viêm gan B mạn  thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó người bệnh thường chủ quan và bệnh sẽ tiến triển nặng lên mà không hề hay biết.

        Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan xảy ra.

        Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng vi rút giúp ức chế vi rút viêm gan B. Có nhiều thuốc kháng vi rút khác nhau, phù hợp với từng người bệnh cụ thể nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để có được cách thức điều trị tốt nhất phù hợp với bạn.

   5. Các triệu trứng của bệnh viêm gan B

        Phần lớn, người mắc viêm gan B luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì cảnh báo.

        Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với vi rút viêm gan B thì bạn có thể cảm thấy không khỏe, cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ.

 6. Các phương pháp điều trị bệnh viêm gan B

- Nếu người lớn mắc viêm gan B cấp, thì khả năng tự hồi phục và đào thải vi rút là 95%. Vì vậy người mắc viêm gan B cấp phần lớn không cần dùng thuốc kháng vi rút (trừ một số trường hợp đặc biệt có suy gan nặng). Người mắc viêm gan B cấp có men gan cao cần nghỉ ngơi, dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhập viện nếu cần.

- Nếu bạn mắc viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan trong tương lai, tăng tuổi thọ của bạn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

        ●Biện pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là uống thuốc kháng vi rút. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của vi rút viêm gan B, vì vậy sẽ bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại nhiều hơn.

         Việc uống thuốc kháng vi rút sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Người bệnh không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng vi rút khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

        Việc tự ý ngừng thuốc kháng vi rút có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng vi rút viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho vi rút quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc ( nhờn thuốc). Gan của bạn vì vậy vẫn bị tổn thương, và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan

        ● Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho vi rút không hoạt động như: Peg-Interferon, Interferon, thymosin alpha….tuy nhiên các thuốc này đắt, khá nhiều tác dụng phụ và hiện tại không sẵn có tại Việt nam

 7. Bệnh viêm gan B có chữa khỏi được không?

- Nếu bạn là người lớn mắc viêm gan B cấp, khả năng tự hồi phục và thải sạch vi rút là 95% (coi như khỏi bệnh). Vì vậy bạn cần nghỉ ngơi và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc ( đặc biệt là các loại lá, thuốc bắc, thuốc nam..) vì có thể suy gan suy thận do các thuốc không rõ nguồn gốc này

- Nếu bạn mắc viêm gan B mạn, khả năng hồi phục và thải sạch vi rút có thể xảy ra nếu như bạn tuân thủ uống thuốc kháng vi rút hàng ngày và kéo dài nhiều năm. Quan trọng hơn là việc uống thuốc kháng vi rút kéo dài giúp cho bạn giảm thiểu nguy cơ xơ gan và ung thư gan trong tương lai.

 8. Bạn cần chăm sóc bản thân như thế nào nếu như bạn bị bệnh viêm gan B?

- Giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ của bạn

- Tránh uống rượu bia, hoặc uống ít hơn. Rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan

- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý

- Tập thể dục thường xuyên

- Giảm mọi căng thẳng (stress) của bạn

- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

- Giảm thiểu mọi áp lực liên quan đến công việc, cuộc sống. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều theo nhu cầu của cơ thể.

- Một số người dùng các liệu pháp bổ sung như massage, dùng một số loại thảo dược như cây chó đẻ, cà gai leo…Tuy nhiên, có nhiều loại thảo mộc có khả năng gây nguy hiểm cho gan hoặc tương tác với các thuốc khác mà bạn đang dùng. Chính vì vậy, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ của bạn khi quyết định dùng thêm các liệu pháp bổ sung

    9. Bạn có cần phải nói với ai nếu như bạn bị bệnh viêm gan B?

        Thông thường, bạn không cần phải nói với ai về tình trạng viêm gan B của mình. Tuy nhiên, bạn nên khai báo trong một số trường hợp sau:

- Nếu nghề nghiệp của bạn liên quan đến các thủ thuật xâm lấn hoặc dễ bị phơi nhiễm như: nha khoa, bác sĩ phẫu thuật, người làm nghề châm cứu, thợ xăm…

- Nếu bạn muốn hiến máu, hiến tạng hoặc tinh dịch

- Nếu bạn muốn tham gia ngành an ninh

-  Ban nên thông báo cho người thân trong gia đình, những người tiếp xúc gần với bạn và bạn tình ( bao gồm cả vợ/chồng)

        Nói chung, quyết định nói với ai và khi nào là tùy thuộc vào bạn. Bạn cần thông báo cho người thân và bạn tình để họ đi kiểm tra tình trạng viêm gan B và tiêm phòng để bảo vệ cơ thể nếu như họ có xét nghiêm HBsAg âm tính.

 10. Bạn có thể lập gia đình và sinh con nếu như bị bệnh viêm gan B không?

        Bạn hoàn toàn có thể lập gia đình và sinh con cho dù đang mắc viêm gan B

        Tuy nhiên, bạn cần nhớ viêm gan B lây qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Vì vậy trước khi kết hôn, bạn cần cho vợ/chồng đi tiêm phòng vaccine viêm gan B. Sau khi tiêm phòng vaccine viêm gan B và có kháng thể thì sẽ không bị lây viêm gan B.

        - Nếu bạn là nam giới, bạn hoàn toàn có thể sinh con mà không lây viêm gan B cho con. Sau khi ra đời, hãy cho các con của mình đi tiêm phòng vaccine viêm gan B theo chương trình tiêm chủng quốc gia

        - Nếu bạn là nữ giới, bạn có thể lây viêm gan B cho con của mình khi mang thai hoặc khi chuyển dạ lúc sinh. Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm hoặc gan mật để được tư vấn các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con

            Có 3 bước để dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con:

Bước 1: Mẹ uống thuốc kháng vi rút trong quá trình mang thai và sau khi sinh để giảm lượng vi rút trong máu, giảm sự lây truyền viêm gan B sang cho con.

        Việc uống thuốc kháng vi rút nào an toàn cho thai nhi, và uống vào thời điểm nào sẽ do bác sĩ của bạn quyết định. Bác sĩ của bạn sẽ quyết định dựa vào tình trạng bệnh viêm gan B của bạn cũng như số lượng vi rút (HBV-DNA) trong máu bạn. Tốt nhất bạn hãy đến gặp bác sĩ trước tuần thai thứ 24 của thai kỳ

Bước 2: Con sinh ra trong vòng 24 giờ đầu cần được tiêm mũi vaccine viêm gan B đầu tiên

Bước 3: Con sinh ra trong vòng 24 giờ đầu cần được tiêm huyết thanh miễn dịch kháng viêm gan B (Hepatitis B immunoglobulin – HBIG)

        Trường hợp con của bạn sinh ra bị thiếu tháng, thiếu cân, ngạt, sặc ối…. bạn cần liên hệ với bác sĩ tại trung tâm vaccine để xin ý kiến về việc tiêm phòng vaccine viêm gan B và huyết thanh cho con của bạn.

11. Bạn có thể cho con bú không nếu như bị viêm gan B?

        Bạn hoàn toàn có thể cho con bú sữa mẹ sau khi đã cho em bé tiêm phòng vaccine và huyết thanh miễn dịch kháng viêm gan B ngay sau sinh

        Trường hợp bạn đang uống thuốc kháng vi rút điều trị bệnh viêm gan B mạn, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để được đổi sang loại thuốc an toàn khi cho con

  12. Bạn phải kiêng ăn gì nếu như bị bệnh viêm gan B?

        Nếu bạn mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan thì bạn ăn uống bình thường, tập thể dục và thể thao hàng ngày. Bạn không phải kiêng bất cứ thứ gì ngoài rượu bia và đồ uống có cồn

        Nếu bạn đang bị tăng men gan thì bạn cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan. Uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ

        Nếu bạn bị xơ gan, các thông tin về dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan được cung cấp trong quyển “dinh dưỡng trong xơ gan, những điều bạn cần biết. Vui lòng liên hệ với Câu lạc bộ vì Lá Gan khỏe để biết thêm chi tiết.

  13. Bạn cần phải hỏi ai nếu như bạn muốn biết thêm về bệnh viêm gan B?

        Bạn có thể đến các cơ sở chuyên khoa Truyền nhiễm hoặc Tiêu hóa, gan mật gần nhất như: khoa Truyền nhiễm, khoa tiêu hóa bệnh viện huyện hoặc bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế dự phòng…

        Trường hợp muốn biết thêm thông tin một cách đầy đủ, vui lòng gia nhập Câu lạc bộ vì Lá Gan khỏe của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hoặc đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để được thăm khám và tư vấn bởi các chuyên gia về viêm gan vi rút.

Tư vấn bởi:  BS CKII Nguyễn Nguyên Huyền

Trưởng Khoa Khám Bệnh cơ sở Kim Chung - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Facebook a Comment