Trang chủ / Chuyên đề / HOẠI TỬ CHỎM XƯƠNG ĐÙI

HOẠI TỬ CHỎM XƯƠNG ĐÙI

30/08/2023 13:55          2,546     

Hoại tử chỏm xương đùi là biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi gồm cả chấn thương và không do chấn thương. Ở giai đoạn cuối của hoại tử chỏm xương đùi, người bệnh đã bị thoái hoá khớp thứ phát không đáp ứng thuốc, lún xẹp chỏm, thoái hóa ổ cối nặng, dễ bị chấn thương gãy cổ xương đùi. Việc phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp ngoại khoa (thay khớp háng) sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tàn phế cho người bệnh.

  Bệnh nhân Nguyễn Văn L. 62 tuổi đi khám bệnh với biểu hiện đau nhiều vùng hông, hạn chế động tác co, duỗi đùi phải.

  Kết quả chụp X quang khung chậu cho thấy giảm chiều cao và giảm đậm độ không đều chỏm xương đùi phải. Chụp Cộng hưởng từ khớp háng có vùng tăng tín hiệu dưới chỏm xương đùi phải, mất liên tục sụn khớp, hẹp nhẹ khe khớp háng. Dấu hiệu “ đường đôi ” là đường ngăn cách giữa vùng xương hoại tử với vùng xương lành, là hình ảnh điển hình, đặc trưng gặp đến 80% của các trường hợp hoại tử chỏm xương đùi.

 

    

Theo TS Lê Trần Thắng, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Hoại tử chỏm xương đùi là bệnh lý hay gặp ở tuổi trung niên ( trên 40 tuổi ) và người già. Còn gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, nguyên nhân do thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn tới tình trạng hoại tử tổ chức xương và sụn, lúc đầu vùng chỏm xương thưa dần, hình thành các ổ khuyết xương về sau dẫn tới gãy xương dưới sụn và cuối cùng gây ra xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng.

 TS Thắng cũng cho biết thêm một số nguyên nhân phổ biến gây hoại tử chỏm xương đùi như: Chấn thương, dùng Corticoid kéo dài, lạm dụng rượu bia, béo phì… Những yếu tố liên quan: tuổi tác, giới tính ( nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn). Các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ hoại tử xương cao.

  Hoại tử chỏm xương đùi là biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi gồm cả chấn thương và không do chấn thương. Ở giai đoạn cuối của hoại tử chỏm xương đùi, người bệnh đã bị thoái hoá khớp thứ phát không đáp ứng thuốc, lún xẹp chỏm, thoái hóa ổ cối nặng, dễ bị chấn thương gãy cổ xương đùi. Việc phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp ngoại khoa (thay khớp háng) sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tàn phế cho người bệnh.

  Các phương pháp cận lâm sàng thường được chỉ định gồm: Chụp X-quang khớp háng thẳng, nghiêng và đùi chếch. Khi kết quả trên X-quang không rõ hoặc không đủ cơ sở để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp MRI để xác định chính xác tình trạng, giai đoạn hoại tử chỏm xương đùi.

   Người bệnh có thể đi kiểm tra để phát hiện tình trạng loãng xương ở giai đoạn sớm trên máy chuyên dụng Medix DR(Pháp) hiện được trang bị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Facebook a Comment