Skip to main content
Liên hệ ngay với chúng tôi để được
tư vấn và đặt lịch khám sớm.
Email: bvnhietdoitw@nhtd.vnPhone: 0395.135.099

Hotline: 0395.135.099

HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH

benhvien
23/05/25
74

Sáng 22/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá thực trạng sốt xuất huyết và cập nhật hướng dẫn thực hành”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành truyền nhiễm trên cả nước, với mục tiêu cùng nhìn nhận lại tình hình dịch tễ, thách thức trong điều trị và thảo luận các giải pháp ứng phó với căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Phát biểu khai mạc, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – nhấn mạnh, sốt xuất huyết đang có xu hướng biến đổi khó lường. Trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 141.000 ca mắc và 28 ca tử vong, dù giảm nhẹ so với năm trước nhưng tình hình vẫn rất đáng lo ngại. Đặc biệt, năm 2023 lần đầu tiên khu vực miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, vượt TP.HCM về số ca mắc. Năm 2024 Hải Phòng trở thành địa phương có số ca cao nhất cả nước. Những bất thường này cho thấy dịch đang mở rộng phạm vi lưu hành và có thể gây áp lực lớn lên hệ thống y tế nếu không được kiểm soát hiệu quả.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất chiến lược ứng phó. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM đã phân tích những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh trên lâm sàng, khi diễn biến sốt xuất huyết rất khó lường và có thể gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng những tiến bộ trong hồi sức tích cực và tối ưu hóa phác đồ điều trị đã giúp cải thiện tỷ lệ tử vong trong 40 năm qua. Ông cũng kỳ vọng vắc xin sẽ góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật trong tương lai.

Một ca bệnh thực tế cũng được Ths.BS Đồng Phú Khiêm – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đơi Trung ương chia sẻ nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của việc dự phòng và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo. Bác sĩ Khiêm cho rằng hồi sức bệnh nhân sốc Dengue vô cùng phức tạp, đòi hỏi nguồn lực lớn nên càng cần tăng cường giám sát, nâng cao năng lực điều trị từ tuyến đầu.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp, BS Nguyễn Hữu Trí từ Công ty Takeda Việt Nam – đã giới thiệu về vắc xin TAK-003 phòng sốt xuất huyết Dengue, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ tháng 5/2024 cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Đây là loại vắc xin đã được triển khai tại hơn 40 quốc gia.

Kết thúc hội thảo, trong bài tham luận tại Hội nghị,  BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã đề xuất mô hình phối hợp đa ngành và chiến lược tích hợp giữa điều trị – dự phòng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của vắc xin trong kiểm soát bền vững sốt xuất huyết. Ông Cấp nhấn mạnh : “ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến đầu về các bệnh lý truyền nhiễm. Trong đó, sốt xuất huyết Dengue hiện nay là bệnh truyền nhiễm gây dịch thường xuyên và nghiêm trọng hàng đầu. Vì vậy cần thực hành tuân thủ theo Phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2023, đề xuất thường xuyên cập nhật nếu có phát sinh.

Hội thảo là cơ hội quan trọng để nhìn lại toàn diện thực trạng sốt xuất huyết tại Việt Nam, cập nhật các tiến bộ trong điều trị và vắc xin, hướng tới kiểm soát hiệu quả căn bệnh truyền nhiễm đang gia tăng về tính chất phức tạp và gánh nặng y tế.

Tin – Ảnh: Phòng Công tác xã hội.