Trang chủ / Tin tức / HỒI ỨC SAU 15 NĂM CHỐNG DỊCH SARS

HỒI ỨC SAU 15 NĂM CHỐNG DỊCH SARS

23/02/2018 10:08     1,825      8,639     

Thấm thoắt đã 15 năm chống dịch Viêm đường hô cấp nguy hiểm (SARS) trôi qua,  nhưng những kỷ niệm vẫn mãi mãi đậm sâu trong tâm trí tôi và các bạn đồng nghiệp của tôi, những kỷ niệm không bao giờ có thể quên được. Có lẽ rằng tất cả các bạn đồng nghiệp của tôi tham gia phòng chống SARS ngày ấy, họ đều mang một tâm lý chung đó là sự lo lắng, hoang mang, sợ hãi và một chút ngại ngần. Bởi vì tất cả chúng tôi lúc đó đứng trước rất nhiều áp lực và nhiều khó khăn.

Áp lực thứ nhất, chúng tôi đang phải đối mặt với một dịch bệnh hết sức nguy hiểm SARS, dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm và tử vong rất cao. Đã có rất nhiều bạn đồng nghiệp của chúng tôi bị lây nhiễm SARS, có những đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi.

Tôi vẫn nhớ như in, vào khoảng giữa tháng 3 năm 2003,  người bệnh đầu tiên bị SARS nhập viện tại Viện Y học Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới (bây giờ là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đúng vào phiên trực của tôi. Có thể nói rằng lúc bấy giờ chúng tôi làm việc trong tâm lý hết sức căng thẳng, mặc dù đây không phải là sự bất ngờ đối với chúng tôi. Bởi vì chúng tôi đã được cảnh báo trước, từ khi Bệnh viện Việt Pháp có nhiều người bệnh bị SARS. Lúc đó chúng tôi làm việc trong một điều kiện hết sức khó khăn và thiếu thốn. Khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn về trang thiết bị như dụng cụ phòng hộ cá nhân, thiếu máy thở, máy theo dõi người bệnh, …

Một dụng cụ phòng hộ cơ bản nhất đó là khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn nhưng cũng không có, chúng tôi phải sử dụng 02 khẩu trang y tế thông thường, hoặc khẩu trang vải để phần nào ngăn ngừa sự lây nhiễm và cũng một phần giúp chúng tôi an tâm về mặt tâm lý.  Còn nhiều những dụng cụ phòng hộ khác cũng không có, như áo choàng ngoài để khi tiếp xúc với người bệnh tránh lây nhiễm từ chất tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi bắn vào người, chúng tôi đã phải tự sáng kiến bằng cách chúng tôi lấy áo choàng  vẫn phát cho người nhà người bệnh khi vào thăm để thay thế áo phòng hộ. Sau một thời gian ngắn, Bộ Y tế được Tổ chức Y tế thế giới và một số Tổ chức khác đã viện trợ các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, dung dịch sát khuẩn tay nhanh,…. lúc đó chúng tôi mới được bảo vệ một cách an toàn.

 Description: C:UsersNguyen Trung HieuDesktopdich-sars-06493.jpg

                        Hình ảnh: Điều dưỡng chăm sóc người bệnh bị SARS

Áp lực thứ hai, chúng tôi là điều dưỡng, nhiệm vụ của người điều dưỡng là chăm sóc người bệnh, là những người tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất bên người bệnh. Chúng tôi thực hiện công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, chăm sóc về chuyên môn, như tiêm truyền, cho người bệnh uống thuốc, chăm sóc về dinh dưỡng, chăm sóc về tinh thần, và vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Đối với người bệnh bị SARS, bị tổn thương cơ quan hô hấp, nên hầu hết người bệnh phải thở ôxy hỗ trợ, có thể thở bằng cannula qua mũi, nặng hơn nữa thở qua mash chụp vào mũi, miệng, có những người bệnh phải hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không xâm nhập, vậy việc chăm sóc ăn uống cho người bệnh SARS khó khăn và vất vả hơn rất nhiều so với người mắc các bệnh khác. Bởi vì mỗi lần cho người bệnh ăn phải bỏ mash, ôxy cung cấp bị gián đoạn gây thiếu ô xy người bệnh tím tái khó thở, do đó mỗi lần cho người bệnh ăn khoảng 200ml cháo, hoặc sữa phải mất tới hàng giờ đồng hồ đứng bên người bệnh để bón từng thìa, từng thìa.

                             Hình ảnh: Điều trị và chăm sóc người bệnh bị SARS

Việc vệ sinh cá nhân đối với người bệnh SARS cũng để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.  Không như những người mắc bệnh khác cần phải chăm sóc hộ lý cấp một, là người bệnh nặng, bị hôn mê, hoặc không tự chăm sóc được cho bản thân mình cần phải có sự hỗ trợ của người khác. Người bệnh SARS họ hoàn toàn tỉnh táo, họ có thể tự ngồi dậy hoặc đi lại được, nhưng họ lại rất khó thở và lệ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ hô hấp, do vậy việc vệ sinh cá nhân cũng hoàn toàn do chúng tôi thực hiện. Có những người bệnh chúng tôi ra xin phép để tắm, gội đầu có khi đến 3 lần/ngày mà người bệnh vẫn chưa đồng ý cho chúng tôi chăm sóc, có người bệnh khi chúng tôi vệ sinh cá nhân cho họ, họ cứ ngại ngùng, hơi có chút e thẹn khi chúng tôi tiến hành chăm sóc, họ nói “ Từ khi lớn lên đến giờ, chưa bao giờ được người khác tắm, gội đầu như thế này” và họ cứ lúng túng, ngượng ngùng mãi.

                        Hình ảnh: Điều dưỡng gội đầu cho người bệnh SARS

Áp lực thứ ba, áp lực về phía gia đình như chồng/vợ, bố mẹ, con cái người thân trong gia đình, họ lo lắng cho người thân của họ đang phải đương đầu với sự nguy hiểm không biết tính mạng người thân của họ ra sao? Có nhiều chị em con còn rất nhỏ chưa đầy một năm tuổi, có những chị bị mắc các bệnh mạn tính, nhưng tất cả vẫn không một chút ngần ngại khi tham gia chống dịch. Bên cạnh đó là áp lực của xã hội, cộng đồng, họ sợ tiếp xúc với chúng tôi sẽ bị lây nhiễm, vậy họ xa lánh, ngại tiếp xúc với chúng tôi. Có những lần mọi người nhìn thấy chúng tôi, họ lấy tay che miệng và lảng tránh chúng tôi, nhiều lúc nghĩ mà tủi thân quá. Có những đồng nghiệp của chúng tôi có chồng/vợ, con cái phải nghỉ làm việc, hoặc phải nghỉ học ở nhà bởi vì có bố/mẹ, chồng/vợ tham gia chống SARS, bởi lẽ họ sợ lây ra những người khác. Tất cả những khó khăn, áp lực ấy cũng không thể khuất phục được chúng tôi, tôi cảm nhận thấy rằng trên khuôn mặt những đồng nghiệp của tôi, họ không thể hiện một sự lo lắng, hoang mang, mà thể hiện một sự sẵn sàng, sẵn sàng ra trận. Chúng tôi là những người Chiến sỹ áo trắng trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, những người chiến sỹ cứ âm thầm lặng lẽ, lặng lẽ ngày đêm chăm sóc bên người bệnh.

Tôi nhận thấy rằng, tất cả chúng tôi tham gia chống SARS ngày ấy, họ đều đã xác định được trách nhiệm của mình đó là, nghề Y là nghề cứu người, chúng tôi lựa chọn lĩnh vực làm việc trong môi trường truyền nhiễm là phải luôn luôn đối mặt với dịch bệnh, phải tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm. Và cũng xuất phát từ tình thương yêu người bệnh, những người bệnh bị SARS họ không có người thân, không có gia đình bên cạnh chăm sóc, chỉ có người bệnh và cán bộ y tế.  Chúng tôi đã bắt gặp những ánh mắt của họ với sự cầu cứu ở chúng tôi, tôi cảm nhận thấy họ đang khao khát một sự sống, họ chờ đợi và hy vọng ở chúng tôi là đem lại sự sống cho họ. Suốt 45 ngày đêm chiến đấu với dịch SARS, là 45 ngày đêm nhân viên y tế chia sẻ với người bệnh, người bệnh chia sẻ với nhân viên y tế, nhân viên y tế với nhân viên y tế, tất cả chúng tôi cùng động viên nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn, áp lực, nguy hiểm. Phải nói rằng không có một tình cảm nào đẹp và ý nghĩa đến như vậy, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, với những xuất ăn được viện trợ miễn phí, xuất ăn đạm bạc nhưng mang đầy tính nhân văn.

                             Hình ảnh: giờ nghỉ ăn của NVYT chống dịch SARS

Với trách nhiệm, ý trí, tình thương yêu người bệnh và với kinh nghiệm trong chuyên môn đã giúp chúng tôi chiến thắng. Phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi không phải là những tấm, Bằng khen, Giấy khen, thậm chí ngày đó có rất nhiều anh chị em đồng nghiệp của tôi không có được một tấm Bằng khen để động viên, nhưng điều đó không quan trọng đối với chúng tôi. Điều quan trọng và hạnh phúc nhất đối với chúng tôi là không một nhân viên y tế nào tham gia chống SARS ngày ấy bị lây nhiễm; Hạnh phúc thứ hai, chúng tôi đã trả lại sự sống cho tất cả người bệnh bị SARS điều trị tại Bệnh viện của chúng tôi; Hạnh phúc thứ ba là chúng tôi hoàn toàn được tự do, tự do giao lưu với mọi người, tự do đi chơi, con cái chúng tôi lại trở lại trường học và không phải nghỉ ở nhà vì có cha, mẹ chúng tham gia chống SARS. Đó là phần thưởng vô giá đối với chúng tôi, một ký ức không bao giờ quên.

Ngày 25/4/2013, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm phòng chống dịch bệnh SARS thành công. Tại buổi lễ này đã gợi lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm, sự xúc động và niềm tự hào.

Hình ảnh: Lễ kỷ niệm 10 năm phòng chống dịch SARS thành công

 

Ngọc Dung

Facebook a Comment