Trang chủ / Tin tức / Dịch sởi diễn biến phức tạp nhất trong vòng 40 năm qua

Dịch sởi diễn biến phức tạp nhất trong vòng 40 năm qua

08/06/2014 21:03     3,991      6,792     

Trước biến diễn thực tế các ca biến chứng viêm phổi nặng do sởi tại các bệnh viện xảy ra ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi,, hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp và bổ sung phác đồ điều trị sởi. Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến cáo phòng lây lan sởi trong cộng đồng. PGS. TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Truyền nhiễm Việt Nam về vấn đề này.

PV:Thưa PGS! nhiều thầy thuốc đánh giá bệnh sởi năm nay diễn biến bất thường với nhiều ca bệnh nặng.. Số ca tử vong do sởi tập trung chủ yếu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Vậy diễn biến này có bất thường không? Phác đồ điều trị cũ có theo kịp với biến diễn của bệnh không thưa PGS?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính

Tại Việt Nam hiện nay đang lặp lại chu kỳ sởi của năm 2009-2010. Số mắc đã vượt con số 20 nghìn và số tử vong cũng cao hơn vụ dịch trước. Theo tôi, nhiều ca tử vong sởi xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương là do gần như tất cả các bệnh nhân nặng của các tỉnh miền Bắc được chuyển về bệnh viện này dẫn đến quá tải bệnh viện cục bộ và tăng nguy cơ lây chéo làm cho những bệnh nhi mắc bệnh nặng khác đang điều trị tại đây sẽ diễn biến bệnh nặng hơn, dễ bị tử vong. Hơn nữa, Sởi là bệnh gây suy giảm miễn dịch cấp tính, nên khi mắc bệnh người bệnh dễ bị đồng nhiễm hoặc bội nhiễm các vi sinh vật khác nhất là bị nhiễm khuẩn bệnh viện với các vi khuẩn đa kháng thuốc gây viêm phổi nặng đặc biệt là với những cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi miễn dịch kém, trẻ có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh, suy chất dinh dưỡng nặng…dẫn đến tử vong.

Chủng vi rút gây sởi nước ta vẫn là chủng cũ và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên bệnh sởi năm nay xảy ra nhiều ở trẻ dưới 9 tháng, chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc mẹ chưa có miễn dịch với sởi nên không có kháng thể truyền cho con, đồng thời cũng xảy ra cả ở người lớn chưa có miễn dịch chống sởi  nên Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất bổ sung thêm việc sử dụng gamma globulin trong điều trị bệnh sởi nhằm tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể giúp giảm các biến chứng. và giảm tỷ lệ tử vong..

PV:Những đối tượng nào có nguy cơ mắc sởi, thưa PGS? Được biết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhân điều trị nhiều bệnh nhân sởi người lớn,diễn biến bệnh của nhóm đối tượng này có khác biệt gì  so với sởi ở trẻ nhỏ không,ạ?

 

Sởi người lớn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính

Tất cả những người chưa có miễn dịch chống lại bệnh sởi do chưa tiêm phòng hoặc chưa mắc sởi  đều có khả năng bị bệnh sởi khi có tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Gần đây, cùng với nhóm bệnh nhi mắc sởi, số lượng người lớn phải nhập viện điều trị vì biến chứng sởi cũng tăng lên.

Sởi ở người lớn biến diễn bệnh cũng tương tự như ở trẻ em, chỉ có biến chứng hơi khác với trẻ em chút ít. Nếu ở trẻ, biến chứng thường gặp nhất là bội nhiễm gây viêm tai giữa, phế quản phế viêm hoặc viêm phổi nặng dẫn tới tử vong thì ở người lớn biến chứng não viêm thường gặp hơn. Tuy nhiên diễn biến sởi ở người lớn thường nhẹ hơn.

PV:PGS. có khuyến cáo gì trong việc dự phòng bệnh sởi cũng như việc kịp thời phát hiện biến chứng, do sởi?

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, lây nhiễm rất nhanh. Vì thế, để tránh mắc sởi, tốt nhất là tiêm vaccin phòng sởi. Với trẻ em cần tiêm đủ 2 mũi vào lúc 9 tháng tuổi và lúc 18 tháng tuổi. Người lớn không nhớ đã được tiêm phòng hay chưa thì khi có dịch cũng nên đi tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần áp dụng các biện pháp dự phòng các bệnh lây qua đường hô hấp như đeo khẩu trang khi bị ho, không tụ tập đông người có dịch sởi hoặc hạn chế đến thăm bệnh nhân trong bệnh viện. Cần thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc với các chất sát khuẩn nhanh. Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

Các bệnh nhân khi phát bệnh cần được cách ly điều trị tại nhà, khi có dấu hiệu diễn biến nặng như sốt cao liên tục, khó thở phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời các biến chứng. Việc điều trị bệnh sởi cần thực hiện theo đúng phân tuyến không tập trung tại một bệnh viện dẫn đến quá tải, lây chéo. Các cơ sở y tế phải thực hiện tốt việc phân luồng, phân tuyến, cách ly người bệnh cũng như thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Xin cảm ơn PGS!

                                                                                                                                                                                                                                                            Hồng Nhung (thực hiện)

                                                                                                                                                                                                                                                            

 

                                                                                                                                                                                                                                                         

Facebook a Comment