Trang chủ / Chuyên đề / NHIỄM VIRUS HỢP BÀO ĐƯỜNG HÔ HẤP (RSV) Ở TRẺ NHỎ NGUY CƠ TIẾN TRIỂN NẶNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

NHIỄM VIRUS HỢP BÀO ĐƯỜNG HÔ HẤP (RSV) Ở TRẺ NHỎ NGUY CƠ TIẾN TRIỂN NẶNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

12/07/2022 14:02     3      32,262     

Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus - RSV) thuộc giống Orthopneumovirus, họ Pneumoviridae và bộ Mononegavirales, là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Ước tính 60% trẻ nhiễm trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi.

Tại Việt Nam, bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.

Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do virus.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong. Ở trẻ lớn hơn và người lớn không mắc bệnh lý nền hay các yếu tố nguy cơ, RSV thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên lặp đi lặp lại. Tỉ lệ nhập viện do bệnh diễn biến nặng gặp cao nhất ở trẻ em dưới 1 tuổi. Ước tính năm 2015, toàn cầu có 33,1 triệu đợt nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp do RSV (ALRI), 3,2 triệu ca bệnh nhập viện và 59.600 ca tử vong tại bệnh viện ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngoài gánh nặng bệnh tật cho trẻ em, RSV ngày càng được xem là tác nhân gây bệnh quan trọng ở người lớn tuổi, làm tăng tỷ lệ nhập viện ở những người trên 65 tuổi và tăng tỷ lệ tử vong ở người già yếu.

1/ Đường lây truyền: Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua

  • Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng.
  • Tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
  • Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn...

Lây truyền trực tiếp có tỉ lệ cao hơn lây truyền qua không khí, do đó rửa tay đúng cách và giữ tay tránh xa những khu vực nhiễm bẩn với RSV có thể giúp giảm lây nhiễm bệnh.

Virus RSV xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi, gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.

2/ Sinh lý bệnh

Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm RSV từ 2 đến 8 ngày, trung bình từ 4 đến 6 ngày.

Sau khi xâm nhập vào niêm mạc mũi họng hoặc kết mạc, virus nhanh chóng lây lan vào đường hô hấp, nhắm tới mục tiêu là các tế bào biểu mô có lông. Tại đó virus sử dụng glycoprotein dung hợp RSV-F để hợp nhất với màng tế bào chủ và đưa nucleocapsid của virus vào tế bào vật chủ để bắt đầu quá trình sao chép nội bào. Phản ứng miễn dịch gây viêm của vật chủ được kích hoạt, bao gồm hoạt hóa tế bào lympho T thể dịch và tế bào T gây độc tế bào gây ra hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp, hậu quả là tắc nghẽn đường thở nhỏ do đường hô hấp bị bịt kín bởi chất nhầy, mảnh vụn tế bào và DNA. Những trường hợp nặng hơn có thể kèm theo tắc nghẽn phế nang. Ngoài ra, sự xâm nhập của virus còn gây rối loạn chức năng lông chuyển làm giảm khả năng thanh thải chất nhầy, gây phù nề đường thở và làm giảm khả năng giãn nở của phổi.

2/ Biểu hiện lâm sàng

Các triệu chứng nhiễm RSV có thể giống cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu, tuy nhiên bệnh có thể tiến triển nặng hơn sau vài ngày. Biểu hiện lâm sàng hay gặp sau nhiễm RSV là:

  • Chảy nước mũi trong, keo dính
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Ho
  • Hắt hơi
  • Sốt
  • Thở khò khè

Các triệu chứng trên xuất hiện theo từng giai đoạn bệnh chứ không đến cùng một lúc và có xu hướng nặng dần. Biểu hiện lâm sàng nhiễm RSV rầm rộ vào khoảng ngày thứ 5 của bệnh và thường cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể kéo dài khoảng 4 tuần do sự phục hồi chậm của các tế bào có lông mao.

Trẻ sinh non nhiễm RSV có thể bú kém, ngưng thở, khó chịu hoặc hôn mê. Tỉ lệ ngưng thở có thể lên đến 20% ở những trẻ sơ sinh nhập viện, chủ yếu là trẻ sơ sinh thiếu tháng và non tháng.

Trẻ nhỏ thường có biểu hiện chảy nước mũi liên tục, ho, hắt hơi, sốt, khó thở, thở khò khè, viêm họng hoặc suy hô hấp. Ho và thở khò khè xảy ra ở 50% trẻ em bị nhiễm bệnh.

Trẻ lớn hơn và người lớn có các triệu chứng cảm lạnh điển hình như nghẹt mũi, ho và sốt. Thở khò khè và chảy nước mũi liên tục thường gặp ở người lớn nhiễm RSV.

Đối tượng nhiễm RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi);
  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh
  • Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch
  • Người cao tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên
  • Người bị hen suyễn, suy tim sung huyết, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Người bị suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, ung thư máu hoặc HIV/AIDS.

3/ Biến chứng

Các biến chứng của virus hợp bào hô hấp bao gồm:

  • Viêm phổi: RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Viêm tai giữa: Nếu virus xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa). Biến chứng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Bệnh hen suyễn: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ nhỏ nếu bị nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng sẽ có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn khi trưởng thành.
  • Một số biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm khác về đường hô hấp như suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…

4/ Chẩn đoán

Chẩn đoán nhiễm RSV gồm: Xét nghiệm test nhanh phát hiện kháng nguyên và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng, rẻ tiền, đặc hiệu và dễ dàng thực hiện trên dịch tiết mũi. Tuy nhiên, độ nhạy chỉ khoảng 80% khi bùng phát RSV. Xét nghiệm PCR tỷ lệ nhạy cao hơn so và khả năng phát hiện nhiều căn nguyên khác khi được thực hiện PCR đa mồi.

Chụp X quang phổi trong nhiễm RSV cho hình ảnh ko đặc hiệụ, khó phân biệt với viêm đường hô hấp do các căn nguyên khác, ngoài ra còn phụ thuôc tình trạng bệnh nhân.  

5/ Điều trị

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nhiễm trùng do RSV, hiện nay vẫn áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và điều trị các biến chứng (nếu có).

  • Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ:
  • Hạ sốt, giảm đau bằng các thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Bổ sung đủ nước cho trẻ qua ăn, uống và truyền dịch (trong trường hợp trẻ không ăn uống được), ngăn ngừa tình trạng mất nước và tránh sự keo đặc của đờm, giảm sự bít tắc đường.
  • Hút mũi, nhỏ mũi bằng các thuốc làm giảm xung huyết niêm mạc và giảm tiết dịch mũi.
  • Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ theo lứa tuổi.
  • Thở oxy nếu trẻ có suy hô hấp, trường hợp nặng hơn cần thở oxy dòng chảy cao qua ống thông mũi, CPAP, hoặc đặt nội khí quản và thở máy.

Điều trị kháng sinh khi có bằng chứng bội nhiễm các căn nguyên vi khuẩn.

Ở trẻ bị viêm tiểu phế quản, lợi ích của thuốc giãn phế quản, corticosteroid, kháng sinh, khí dung epinephrine, chất ức chế leukotriene, khí dung bằng nước muối ưu trương hoặc vật lý trị liệu lồng ngực chưa có hiệu quả rõ ràng.  

  • Sử dụng kháng thể đơn dòng palivizumab cho những đối tượng nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng, tuy nhiên chi phí còn cao và không có sẵn ở các tuyến.
  • Ribavirin là thuốc kháng virus đang được một số quốc gia nghiên cứu sử dụng trên bệnh nhân RSV.

6/ Phòng bệnh

  • Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu.
  • Ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn.
  • Tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi đặc biệt với trẻ nhỏ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật.
  • Áp dụng nguyên tắc 5K trong phòng lây các căn nguyên lây truyền theo đường hô hấp, trong đó có RSV.

 

Những điều cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu ý để hạn chế lây nhiễm RSV:

 

- Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh. Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác...

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.

- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh.

- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động...

- Khi trẻ bị bệnh nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho công cộng.

Facebook a Comment