Trang chủ / Chuyên đề / HỘI CHỨNG VIÊM ĐA HỆ THỐNG Ở TRẺ EM (MIS-C)

HỘI CHỨNG VIÊM ĐA HỆ THỐNG Ở TRẺ EM (MIS-C)

10/05/2022 09:26          14,161     

Bệnh nhân nhập viện là bệnh nhân nữ, 15 tuổi, sống ở xã Vị Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Bệnh nhân là người dân tộc Tày, được nhập viện vào đầu tháng 4 năm 2022. Trước khi nhiễm COVID, bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19, mũi 2 đã tiêm cách vào viện 2 tháng.

Hình 1: Ban đỏ rải rác toàn thân                                   Hình 2: Tổn thương phổi trên X - Quang                

3 tuần trước vào viện bệnh nhân biểu hiện sốt, đau họng, chảy mũi, ho khan, được làm xét nghiệm COVID-19 dương tính. Sau 10 ngày, bệnh nhân hết các triệu chứng, xét nghiệm tes nhanh COVID âm tính, khỏi bệnh và đi học lại bình thường.

Sau khi khỏi COVID được 2 tuần, bệnh nhân đột ngột sốt cao 40 độ, rét run, kèm theo phát ban sẩn ngứa dạng chấm, nốt toàn thân. Lúc vào viện bệnh nhân có tình trạng ban đỏ toàn thân, kết mạc mắt đỏ, sưng nề mi mắt, lưỡi đỏ, mệt nhiều, sốt cao. Các xét nghiệm cũng cho thấy tổn thương nhiều cơ quan trong đó: phổi có tổn thương mờ dạng kẽ vùng rốn phổi 2 bên, tim có tràn dịch màng ngoài tim, tăng chỉ số Troponin T, pro-BNP. Các chỉ số men gan ASAT/ALAT cũng tăng gấp 2 lần. Đặc biệt là các chỉ số viêm tăng rất cao, trong đó bạch cầu tăng lên 19 G/L, CRP trên 200 mg/L, định lượng Interleukin-6 (cytokine viêm) cũng tăng cao. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), mức độ nặng. Bệnh nhân được nhập viện vào khoa cấp cứu, điều trị các thuốc thích hợp. Sau gần 1 tuần điều trị, các chỉ số xét nghiệm dần trở về bình thường. Bệnh nhân không còn phát ban, không sốt, ăn ngủ tốt hơn. Sau hơn 10 ngày điều trị bệnh nhân được xuất viện, đi học trở lại, sinh hoạt gần như trước đây. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần theo dõi lâu dài các biến chứng trên tim mạch và hệ miễn dịch …

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) có nhiều điểm chung với bệnh Kawasaki (KD) và hội chứng sốc nhiễm độc độc tố tụ cầu (TSS). Tuổi trung bình bị bệnh là 8 tuổi, gặp nhiều nhất trong độ tuổi từ 6 đến12 tuổi. Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng viêm đa hệ thống phải bao gồm các tiêu chuẩn chẩn đoán sau: tuổi dưới 21 tuổi, sốt kéo dài ít nhất 24 tiếng, xét nghiệm chỉ số viêm tăng, rối loạn từ 2 cơ quan/hệ thống trở lên và trước có có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR SARS-CoV-2 dương tính hoặc tiếp xúc với ca bệnh dương tính. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, bao gồm: sốt, biểu hiện tiêu hóa, tim mạch, viêm kết mạc, ban đa hình thái, và suy hô hấp. Nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng phải chăm sóc ở đơn vị Hồi sức tích cực. Xét nghiệm đánh giá ban đầu thường thấy tăng chỉ số CRP > 100 mg/L, chỉ số máu lắng tăng, natri máu giảm, tăng triglyceride máu, tăng D-dimer và ferritin máu. Ngoài ra còn gặp giảm bạch cầu lympho và tăng các chỉ số bất thường về tim như pro-BNP và troponin.

Điều trị chủ yếu là sử dụng các thuốc globulin miễn dịch hoặc corticoid, đồng thời với điều trị hỗ trợ, quản lý biến chứng tim mạch và dự phòng chống đông. Hậu quả lâu dài chưa được xác định.

                                            Hình 3: Các biểu hiện lâm sàng của Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em

Ths. Bs Trần Văn Bắc

Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

 

Facebook a Comment